MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần chuẩn bị những gì để không phụ thuộc con cái khi về già

Mạnh Cường LDO | 27/05/2023 13:43

Ngày càng nhiều người muốn độc lập tài chính khi về già để không phiền muộn con cái. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ họ đã đặt ra mục tiêu tích lũy sau này cũng như cố gắng tham gia bảo hiểm xã hội đến cùng để tuổi già an nhàn, thảnh thơi.

Dù hiện tại mới 43 tuổi nhưng anh Vũ Văn Tưởng (Nam Định) đã chuẩn bị gần như đầy đủ cho bản thân và vợ khi về già cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện tại, anh đang kinh doanh tự do và công việc phát triển khá thuận lợi.

Anh Tưởng cùng vợ đã chuẩn bị gần như chu toàn cho tuổi già sau này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 2022, anh Tưởng đã mua một mảnh đất với diện tích gần 300m2 có đầy đủ ao cá, sân vườn và nhiều loại cây trồng. Đây chính là nơi an cư của hai vợ chồng anh sau này, an tâm vui sống, không lo phiền muộn con cái.

Anh Tưởng cho biết, hành trang tuổi già của hai vợ chồng gồm có thửa đất mới mua, lương hưu của vợ nếu đi làm đủ 20 năm cùng số tiền 5 triệu đồng tiết kiệm hàng tháng bây giờ anh đang trích ra.

Không chỉ lo lắng cho bản thân mà hiện tại, anh Tưởng cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho tương lai sau này của con cái. Anh đã quyết định mua đất, xây nhà cho 2 người con trai. Với hai người con gái, anh Tưởng dự định sẽ tặng một số tiền khi hai con đi lấy chồng, không mua đất làm của hồi môn.

Chị Phạm Thị Nga (50 tuổi, Nghệ An) ý thức rất rõ về những hệ lụy bản thân sẽ gặp phải khi về già. Trong đó, bệnh tật là điều tất yếu phải đối mặt, được chị ưu tiên đặt lên hàng đầu, chuẩn bị từ sớm để giảm gánh âu lo.

"Tuổi già, cơ thể yếu đi, hầu như ai cũng mắc bệnh. Nhẹ thì đau nhức xương khớp, cảm cúm, ho khan, nặng thì tiểu đường, huyết áp cao, đại tràng… Vì thế, tôi đã tham gia một hợp đồng bảo hiểm thương mại từ lúc hơn 40 tuổi. An tâm vào viện điều trị, không sợ con cái lo âu, tốn kém" - chị Nga nói.

Những căn bệnh nhẹ chữa trị trong huyện thì chỉ cần bảo hiểm y tế là đủ. Nhưng những căn bệnh nặng, dùng thuốc đắt đỏ, điều trị ở tỉnh, trung ương nhất định phải có thêm sự hỗ trợ của những loại bảo hiểm khác - chị Nga tâm sự về rủi ro bệnh tật ở tuổi già.

Chị Nga ưu tiên tham gia thêm một sản phẩm bảo hiểm thương mại để nhẹ gánh âu lo bệnh tật khi về già. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, mỗi tháng chị Nga cũng trích tiền mua một chỉ vàng để dành. Số vàng này theo chị Nga để hỗ trợ cho tuổi già muốn đi đâu, ăn gì, làm gì tùy thích mà không cần phải nhờ đến con cái.

Ở tuổi 73 nhưng bà Trần Thị Mười (Nam Định) vẫn rất khỏe mạnh. Bởi từ khi về hưu, bà đã tự chủ hoàn toàn về tài chính nhờ số lương hưu tích lũy được thời còn làm giáo viên. Thậm chí, mức lương hưu hơn 5 triệu đồng/tháng còn giúp bà đóng góp cho quê hương và tặng thưởng cho các cháu.

"Hiện tại, lương hưu của tôi là 5.482.000 đồng/tháng. Sau khi trừ hết chi phí ăn uống, sinh hoạt và thuốc men, cỗ bàn lễ lạt, tôi vẫn còn dư hơn 1 triệu. Ở quê cái gì cũng rẻ đồng thời bản thân không mắc bệnh tật nhiều nên cũng đỡ tốn kém" - bà Mười tâm sự.

Bà Trần Thị Mười quyết tâm tham gia bảo hiểm xã hội thật lâu đến khi đủ tuổi hưởng lưu hưu để không phụ thuộc con cái khi về già. Ảnh: Mạnh Cường.

Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị cho tuổi già lúc trẻ, bà Mười cho biết: Dù đã đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội nhưng bà vẫn cố gắng đi làm hơn chục năm nữa đến khi đủ 55 tuổi mới về hưu. Bên cạnh đó, lúc trẻ bà Mười cũng thường xuyên tập thể dục, đạp xe và ăn uống lành mạnh nên về già ít bị bệnh tật giày vò.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn