MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Cần đánh giá, tổng kết các “phong trào” trong giáo dục

Lê Xuân Chiến LDO | 02/06/2016 07:00
Nhiều phong trào trong giáo dục có ý nghĩa tích cực, trở thành là động lực thúc đẩy toàn ngành hướng về mục tiêu chung, đồng sức đồng lòng đổi mới, phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên trong thực tế tại các cơ sở giáo dục, trường học, các phong trào này “đến hẹn lại lên”, có giai đoạn phong trào này chồng lên phong trào kia để rồi tất cả đều ... lịm tắt. Các phong trào “chìm vào quên lãng” mà thầy trò chẳng biết mình làm được gì, làm được bao nhiêu, vì sao không tiếp tục nữa ...

Có thể nói chưa ngành nào có nhiều cuộc vận động như ngành giáo dục. Năm học 1993-1994 là cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Năm học 2006-2007 là cuộc vận động “hai không” - “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tiếp tục năm học 2007- 2008 là cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đến năm học 2008-2009, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai cho đến nay. Các phong trào này thầm lặng trôi qua và đến nay như “chìm vào quên lãng”. Sẽ không ngoa khi nói các phong trào trong giáo dục như “cưỡi ngựa xem voi”, “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”. 

Nội dung, ý nghĩa của những phong trào này, không ai có thể phủ nhận, nhưng có nhiều điều đáng để băn khoăn. Tại sao lại nhiều phong trào, nhiều “cuộc vận động” như thế ? “Phong trào” này chồng lên “phong trào” kia, phong trào này làm chưa đến đâu, phong trào tiếp lại xuất hiện. Nhà trường, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo và học sinh không đủ thời gian để thực hiện, trải nghiệm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Nhiều cuộc vận động dồn dập quá nên không tránh khỏi chuyện “phát” nhưng chưa “động”, hoặc “động” chưa được bao nhiêu thì lắng xuống, đâu lại vào đấy. 

Thêm một điều băn khoăn nữa, tại sao gọi là “cuộc vận động” ? “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là điều bắt buộc, chứ sao là “vận động” ? “Vận động” nghĩa là không ràng buộc, làm tới đâu cũng được. Đơn vị, cá nhân nào tiêu cực trong thi cử hoặc tiêu cực trong vấn đề khác thì phải chịu trách nhiệm, phải chịu kỷ luật, chứ “vận động” cái gì ? 

Còn “bệnh thành tích”, cái từ không có trong y văn, nhưng là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Tại sao các cấp giáo dục cứ lấy chỉ tiêu thi đua để ràng buộc lẫn nhau ? Tại sao vừa quán triệt “không để học sinh ngồi nhầm lớp” lại vận động phổ cập, “đẩy” các em lên lớp “oan” ? Từ phổ cập bậc tiểu học đến phổ cập bậc trung học cơ sở đều gượng ép, cố ý bỏ qua “quy luật sàng lọc” tất yếu trong giáo dục. Vậy làm sao học sinh không ngồi nhầm lớp được ? 

“Một người không thể bẻ gậy chống trời”, tư tưởng đó đã khiến nhiều nhà giáo im lặng, thôi cứ làm theo chỉ đạo, nên có người gọi đó là hội chứng Mackeno (Mặc kệ nó). 

Từ năm 2006 đến nay, cùng với các ngành trong cả nước, ngành GD&ĐT thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt nhiều kết quả, xuất hiện nhiều tập thể cá nhân điển hình tiên tiến. Nhưng ở nhiều đơn vị, trường học mục tiêu còn chung chung, chưa gắn với nhiệm vụ, hành động cụ thể, thiết thực ở từng giai đoạn, từng đơn vị, trường học. Và một điều đáng lưu ý nữa là phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay trong trường học được sơ kết, đánh giá chung với các chi, đảng bộ địa phương, ngành giáo dục chưa có một cuộc sơ kết, đánh giá cũng như nhân rộng mô hình tiêu biểu trong toàn ngành. 

Thiết nghĩ, cần nghiêm túc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng và kỷ luật nếu cần về việc thực hiện các phong trào trong giáo dục ở từng cơ quan, đơn vị giáo dục, trường học. Có như thế toàn ngành mới tin tưởng, quyết tâm hành động, phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công cuộc đổi mới giáo dục.

 

Lê Xuân Chiến 


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn