MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của học sinh trường THPT Hoa Lư A, sau khi đạt giải Nhất thi KHKT tỉnh Ninh Bình vào năm 2019 thì "đắp chiếu" tại nhà kho của trường. Ảnh: Nguyễn Trường

Cần đầu tư thích đáng cho sáng chế, nghiên cứu khoa học đỉnh cao

QUANG ĐẠI LDO | 31/10/2021 09:41

Mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn sáng kiến, kinh nghiệm, các dự án thi khoa học kĩ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng các cấp... nhưng thiếu vắng các sáng chế hữu ích và có khả năng sản xuất ra thị trường.

Mặc dù dịch bệnh còn phức tạp, nhưng nhiều địa phương vẫn tổ chức các cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng", với “kịch bản” tương tự nhiều năm trước.

Tại Cuộc thi sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng TP Hà Nội năm 2021 vừa công bố kết quả vào ngày 23.8, tiếp tục xuất hiện các sáng chế, mô hình đạt giải cao với những tên gọi mà chỉ nghe đã khiến nhiều người kinh ngạc: "Sản phẩm Trợ lý ảo du lịch", "Trường học STEM tương lai", "Máy cho cá ăn tự động", "Robot khử khuẩn thân thiện với môi trường", "Mô hình máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp", "Khối lập phương thông minh, thành phố năng lượng xanh"…

Ban tổ chức cuộc thi đã nhận 362 sản phẩm dự thi của hơn 1.000 tác giả, nhóm tác giả là học sinh của 159 trường thuộc 23 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Con số các mô hình, dự án dự thi trên phạm vi toàn quốc là rất lớn.

Đồng thời, sắp tới, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học cũng sẽ tiếp tục trao giải cho hàng chục nghìn dự án, sản phẩm.

Các sản phẩm, mô hình nói trên có một số đặc điểm chung là sự trùng lặp về ý tưởng, giải pháp của các năm trước, giữa các địa phương này với địa phương khác, thậm chí ở nước ngoài, hầu hết không có khả năng ứng dụng thực tiễn, vượt quá khả năng của học sinh.

Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp các ngành cũng cho “ra lò” hàng chục, hàng trăm nghìn sáng kiến kinh nghiệm, mô hình... nhưng khả năng ứng dụng thực tế rất thấp.

Tất cả các dự án, mô hình, sáng chế, sáng kiến... nói trên, đều có một đặc điểm chung là tính “tay trái”, thiếu chuyên nghiệp. Học sinh, với nền tảng kiến thức và kĩ năng phổ thông, dù có xuất sắc bao nhiêu chăng nữa, cũng không thể đặt chân vào địa hạt nghiên cứu, sáng tạo chuyên nghiệp.

Hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng thế, việc đúc rút kinh nghiệm, công bố sáng kiến, cải tiến kĩ thuật... chỉ là công việc “tay trái” chứ không phải là nghề nghiệp chính.

Thiếu chuyên nghiệp, thiếu đầu tư bài bản về nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí là những bất cập, hạn chế cơ bản dẫn đến chúng ta thiếu vắng những nghiên cứu và sáng chế đẳng cấp, chất lượng cao.

Hiện nay, có xu hướng những học sinh xuất sắc nhất đều tham gia thi tuyển vào ngành Y, bởi vì đây là ngành học bảo đảm công việc ổn định, thu nhập tốt và được xã hội tôn trọng. Bên cạnh đó, tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài cũng rất đáng lo ngại.

Thiết nghĩ, để kinh tế phát triển, quốc gia hùng cường, cần phải có một nền công nghiệp sản xuất tiên tiến, những sản phẩm, thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Muốn thế, phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế đẳng cấp cao, chuyên nghiệp, tâm huyết.

Nhà nước cần có chiến lược và chính sách tổng thể, bài bản và hiệu quả để thu hút, giữ chân nhân tài vào lĩnh vực nghiên cứu, sáng chế, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn