MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những vết bầm lớn được xác định xuất hiện trên cơ thể bé gái 8 tuổi khi nhập viện. Ảnh: HM

Cần làm gì sau khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em dã man

ANH THƯ LDO | 28/01/2022 06:45
Liên tiếp những vụ việc trẻ em bị bạo hành từ mẹ kế của bố, người tình của mẹ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh bảo vệ trẻ em, lên tiếng trước hành vi bạo hành, xâm hại.

Rúng động dư luận

Năm 2021 vừa khép lại nhưng dư luận không khỏi đau lòng trước những vụ việc trẻ em bị bạo hành. Đầu năm 2022, chỉ trong một thời gian ngắn cũng đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị tra tấn, đánh đập một cách tàn độc.

Đó là vụ bé gái 8 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh bị nhân tình của cha bạo hành đến tử vong, hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ và trước đó từng bị nuốt đinh, ngộ độc thuốc sâu…

Bạo lực trẻ em và bạo lực gia đình là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam và có xu hướng tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong năm 2021, Việt Nam ghi nhận khoảng 2 nghìn trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Theo điều tra về mục tiêu phát triển bền vững về phụ nữ và trẻ em, Tổng cục Thống kê và Unicef hành trong năm 2021, tỉ lệ bạo lực còn rất phổ biến và có xu hướng gia tăng với 70,5% trẻ em từ 1-14 tuổi có báo cáo đã trải qua một số hình thức bạo lực tại gia đình do cha mẹ hoặc người chăm sóc gây ra.

Về vụ việc này, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội - cho rằng, hai vụ việc vừa mới xảy ra gần đây nhất liên quan đến người thứ ba (bố dượng hoặc mẹ kế). Tuy nhiên, không phải tất cả vụ việc chỉ bố dượng, mẹ kế mới là người bạo hành.

Có những trường hợp, bố mẹ đẻ cũng gây ra những vụ bạo hành rất nặng nề như vụ việc ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa qua. Chính bố đẻ bạo hành gây tử vong con đẻ của mình.

Theo bà Hồng, từ những vụ việc trên, có thể thấy cha mẹ hoặc người thứ ba đó hoàn toàn không nắm được kiến thức về luật pháp về việc bảo vệ trẻ em. Vì vậy, mới nảy sinh những hành vi nghiêm trọng đối với các cháu.

Vấn đề nữa đó là có thể họ sống trong mối quan hệ không cân bằng về quyền lực. Họ sợ người thứ ba sẽ bỏ đi, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành. Cũng có thể, do họ quá bận rộn với công việc mưu sinh của mình.

Hình ảnh 9 đinh ghim găm vào sọ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: BVCC

Vì vậy, người cha, người mẹ không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con. “Tôi nghĩ rằng, rất nhiều người thiếu kỹ năng thương thuyết với người thứ ba nên dẫn đến những câu chuyện đau lòng như vừa rồi” - bà Hồng nói.

Quyết liệt trước những hành vi bạo hành trẻ

Trước hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, dù muộn màng, nhưng vẫn cần cộng đồng lên tiếng một cách quyết liệt trước những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ.

Theo ông Đặng Hoa Nam, có những trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính những người thân trong gia đình, nhưng những thành viên khác lại không lên tiếng tố cáo. Ở đây là do sự vô trách nhiệm hoặc chính họ cũng không biết tố cáo những hành vi đó ở đâu, hoặc xuất phát từ tâm lý sợ phải đánh đổi một mối quan hệ khác...

Bên cạnh đó, có những người chứng kiến, hoặc biết về hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em nhưng lại không có niềm tin, lo lắng nếu tố cáo vụ việc có được giải quyết hay không, và bản thân họ có được bảo vệ hay không?

Ông Nam khẳng định: “Với quy định pháp lý, với dịch vụ như Tổng đài 111 và trách nhiệm của cơ quan công an hiện nay, chúng ta cần có niềm tin, người tố cáo sẽ được bảo vệ, bảo mật thông tin".

Cục trưởng Cục Trẻ em kêu gọi mọi người lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc nghi ngờ rằng trẻ đang bị bạo hành để chúng ta có trách nhiệm tố cáo lên cơ quan chức năng và gọi điện ngay cho 111.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn