MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần làm rõ trách nhiệm quản lý tại bãi xe không phép. Ảnh: Ngọc Việt

Cần làm rõ trách nhiệm quản lý tại bãi xe không phép

Minh Hạnh LDO | 11/05/2023 09:29

Cơ quan chức năng quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý vụ cháy tại bãi xe ngõ 37 Trần Quốc Hoàn ngày 6.5.2023 vừa qua. Phản ánh đến Báo Lao Động, một số chủ xe cho biết, đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía bãi trông giữ.

Phản ánh với Báo Lao Động, anh Nguyễn Ngọc Việt - chủ xe ôtô mang biển kiểm soát 14A-129.09 cho biết, từ tháng 9.2021 anh gửi xe tại bãi xe ngõ 37 Trần Quốc Hoàn với mức phí 1.000.000 đồng/tháng. 

Ngày 6.5.2023, bãi xe này xảy ra hoả hoạn làm thiệt hại 5 xe ôtô và nhiều xe máy khác. Trong đó, xe ôtô của anh Việt bị cháy hoàn toàn và không có khả năng khắc phục, sửa chữa để tái sử dụng. Đến nay, anh Việt vẫn chưa nhận được bất cứ lời giải thích, bàn phương án khắc phục hậu quả từ các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc.

 Hiện trường vụ cháy bãi xe ngõ 37 Trần Quốc Hoàn . Ảnh: Ngọc Việt

Liên quan đến vụ cháy bãi xe tại ngõ 37 Trần Quốc Hoàn, đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an TP.Hà Nội cho biết, đây là điểm trông giữ xe tự phát không phép, Công an quận và Công an phường đã kiểm tra và kiến nghị chính quyền xử lý. Hiện, Công an quận đang chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý.

Theo Kế hoạch số 23/KH-UBND của UBND TP.Hà Nội về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy nêu rõ, trong trường hợp cháy nổ xảy ra, thành phố sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sự Hà Nội) cho biết, theo quy định, ngay sau khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, cháy nổ cơ quan cảnh sát điều tra, công an địa bàn sẽ vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân, nếu do khách quan như: Do chập điện, lỗi nhà sản xuất… thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm.

Một trong những chiếc xe ôtô bị cháy rụi. Ảnh: Ngọc Việt

Về nguyên tắc, khi có thiệt hại xảy ra thì người bị thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường phù hợp. Khi bồi thường, phải xác định chính xác giá trị tài sản bị thiệt hại.

Trường hợp nếu xác định được đám cháy bắt nguồn từ một xe máy hay ô tô và lan rộng ra toàn bộ bãi xe gây cháy do hành vi cố tình gây hỏa hoạn của một người nào đó, CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại tài sản" theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người vi phạm pháp luật sẽ phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản là phương tiện bị cháy, cơ sở vật chất bị thiệt hại.

Trong trường hợp vụ cháy bắt nguồn từ việc cơ sở trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì CQĐT cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" và chủ cơ sở trông giữ xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản bị cháy theo quy định.

Nếu đơn vị nhận giữ tài sản có lỗi trong quá trình nhận giữ phương tiện, thì phía chủ cơ sở trông giữ yêu cầu đơn vị nhận giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại đối với phương tiện của khách hàng bị cháy theo quy định tại Khoản 4 Điều 557, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn