MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Cần siết chặt quản lý các khu di tích

TÚ NGUYÊN LDO | 10/01/2017 09:00
Có thể khẳng định ngay rằng, những hình ảnh mà Báo Lao Động đăng tải trong những ngày qua về việc “bê tông hóa” thành cổ và “nhốt” di tích vào cũi sắt đã tố cáo sự buông lỏng quản lý của bộ ngành chức năng trung ương và cách làm tùy tiện, thiếu nguyên tắc, thiếu tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của thành cổ Sơn Tây của địa phương.

Không ai nghĩ rằng, số phận một di tích lịch sử cấp quốc gia lại bị đối xử bạc bẽo như vậy. Mặc dù được các giới chức quản lý di tích Sơn Tây lý giải là chuyện “chẳng đặng đừng”; nhưng ở góc nhìn một công dân bình thường, nhìn cách làm phản cảm như thế là không thể chấp nhận được. 

Dù biết rằng, phê phán một công trình xây dựng là chuyện dễ và làm sao để hạn chế một cách thấp nhất sự phê phán là chuyện rất khó; nhưng không lẽ những người có trách nhiệm “vô kế khả thi” với một công trình kiến trúc cổ đang trong thời kỳ xuống cấp và họ không tiên liệu được công trình chống xuống cấp tiền tỉ như trên sẽ đón nhận búa rìu dư luận xã hội? Còn nguyên nhân nào nữa để phớt lờ dư luận?

Một di tích lịch sử - văn hóa được công nhận ở cấp nào, quốc gia hay địa phương không phải đơn thuần được công nhận cho có, rồi thôi. Bộ ngành trung ương không thể khoán trắng cho địa phương để đưa tới tình trạng buông lỏng quản lý, phải thường xuyên phối kết hợp cùng với địa phương, đồng thời địa phương với tư cách là cơ quan “gần sân cận cửa” với di tích phải kịp thời xử lý mọi tình huống xâm hại (dù là di tích cấp quốc gia hay địa phương) nếu có và trong vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, không thể tùy tiện quyết định trong việc trùng tu tôn tạo hay chống xuống cấp di tích khi chưa có ý kiến đồng thuận cơ quan chuyên môn cấp chủ quản di tích, đó là chưa nói tới những công trình tiêu tốn kinh phí tương đối cao phải được đưa ra thăm dò ý kiến nhân dân, trên cơ sở những ý kiến phản biện để thống nhất phương án khả thi. Cần hết sức tránh một thứ tư duy hình thức, chiếu lệ hay mang màu sắc lợi ích nhóm, xà xẻo.

Vượt lên trên những điều bình thường đó và cao hơn hết là ý nghĩa vô cùng quan trọng của một di tích. Trước hết, việc bảo tồn di tích không ngoài mục đích giáo dục cho các thế hệ đời sau biết đến giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật - lao động từng thời kỳ phát triển của một dân tộc; đó là một động lực khơi dậy, hình thành lòng yêu quê hương, yêu đất nước. Thứ đến là bảo tồn, bảo vệ di tích, qua đó thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân qua quá trình dựng nước và giữ nước.

Trùng tu tôn tạo hay chống xuống cấp một di tích là chuyện không thể không làm đối với địa phương vì theo thời gian di tích sẽ xuống cấp. Nhưng nhất thiết mọi dự án phải tôn trọng mọi yêu cầu giá trị di tích như vừa nêu (bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật) kết hợp yêu cầu mỹ quan trong xây dựng.

Thiết nghĩ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nên nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thường xuyên phối kết hợp với địa phương trong việc bảo tồn, bảo vệ những di tích; không thể để xảy ra trong tương lai những trường hợp tương tự như thành cổ Sơn Tây và những trường hợp xâm hại di tích ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu… những năm gần đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn