MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau vụ nổ bóng bay, hầu hết các học sinh đều bị bỏng phần tay và mặt. Ảnh: Quách Du

Cần sớm ban hành lệnh cấm thả bóng bay ngày khai giảng

Hương Giang LDO | 07/09/2023 09:24

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm khí hydro vào bóng bay, trong khi đó giá khí hydro chỉ bằng 1/4 giá khí heli, nên một số người bán bóng bay vẫn bơm hydro vào quả bóng, gây nguy cơ phát nổ

Vật trang trí tiềm ẩn nguy hiểm

Trên thế giới, đã có nhiều vụ tai nạn nổ bóng bay rất nặng. Tại Việt Nam, các vụ tai nạn vì bóng bay nổ cũng không hiếm. Mới đây nhất, vụ nổ bóng bay trong ngày khai giảng làm nhiều học sinh ở Thanh Hóa bị thương, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Việc trang trí bóng bay trong lễ khai giảng, trong các bữa tiệc, hay ở nơi công cộng luôn tiềm tàng những mối nguy hiểm khi bóng bay bị cháy nổ.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn nhiệt như bóng đèn, lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy, hoặc cọ xát nhiều giữa các quả trong một chùm bóng cũng khiến nó phát nổ.

Ngoài ra, việc thay đổi môi trường như lấy bóng từ túi nylon ra, gặp không khí nóng, hoặc đi ra ngoài trời nắng, cho bóng vào phòng kín, ô tô... là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến trái bóng có thể nổ tung.

Người bán bóng bay thường bơm khí hydro hoặc khí heli cho bóng bay. Hydro là chất khí nhẹ hơn không khí 16 lần, không màu, không mùi, trong suốt, dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất bình thường. Heli là khí trơ nhẹ hơn không khí 8 lần, không màu, không mùi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường.

Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay...

Bóng bay đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Đồ họa: Hương Giang

Đề xuất cấm bóng bay ở những nơi đông người

Theo các chuyên gia, do có nguy cơ cháy nổ lớn nên hydro bị nhiều quốc gia phát triển cấm bơm vào bóng bay.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm hydro vào bóng bay, và giá khí hydro chỉ bằng 1/4 giá khí heli, nên một số người bán vẫn bơm hydro vào quả bóng.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh Viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết: Chúng ta không thể phân biệt được bóng bay hydro hay bóng bay heli bằng mắt thường, nên chỉ trông vào người bán có tâm, trước khi cơ quan chức năng ban hành lệnh cấm bán bóng bay bơm khí hydro và kiểm tra cơ sở bán bóng bay.

Ngoài ra, cũng cần ban hành lệnh cấm bóng bay ở những nơi đông người, ví dụ như cấm mang bóng bay trên phương tiện giao thông công cộng, cấm dùng trong những bữa tiệc đông người. Trường hợp mua bóng bay để trang trí, bắt buộc phải hỏi người bán, đảm bảo bóng bay được bơm khí heli.

Đối với trẻ em, loại bóng bay này không chỉ tiềm ẩn hiểm hoạ, mà còn là nguồn gây hại trực tiếp, đặc biệt là các em nhỏ trong độ tuổi mầm non.

Khi chơi, các em sẽ sờ, nắm, ngậm… trong khi phẩm tạo màu sắc cho bóng bay thì không rõ nguồn gốc nên việc cho trẻ chơi bóng bay sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc.

Ngoài ra, việc bóng bay phát nổ đột ngột sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng thính giác, gây hoảng sợ, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ nhỏ.

Dù thông thường vết bỏng do bóng bay phát nổ không sâu nhưng những vị trí dễ bị nạn hay gặp như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay... có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Một số người lớn cũng hay dùng bóng bay để trêu đùa trẻ em, ví dụ dùng bóng đập lên đầu lên mặt đứa trẻ vì nghĩ không sao, chẳng ngờ bóng bay chứa hydro với áp suất tăng đột ngột cũng gây cháy nổ. Trẻ em cũng thích chơi đùa bóng bay, nếu bên trong có khí hydro, thì rất dễ gặp thảm họa.

Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, bóng bay khi rơi xuống mặt đất và biển, gây ô nhiễm trái đất và trở thành một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với động vật hoang dã, khi chúng nhầm tưởng "xác" bóng bay là thức ăn. Cũng cần rất nhiều năm để bóng bay có thể phân hủy, vì vậy, chúng gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích ngày khai trường không có bóng bay. Tiếp đó, hàng loạt các tỉnh thành như Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang... đã hưởng ứng không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Mới đây nhất, khi chuẩn bị bước vào khai giảng năm 2023-2024, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản yêu cầu các trường học không thả bóng bay. Tuy nhiên, việc cấm thả bóng bay trong ngày khai giảng mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương.

Thiết nghĩ, chủ trương không thả bóng bay trong ngày khai giảng nên được thống nhất, có chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, để trong những ngày khai giảng năm học tiếp theo nói riêng và trong các sự kiện, lễ hội nói chung, trẻ em không còn phải đối mặt nguy hiểm từ bóng bay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn