“Thổi giá” làm lũng đoạn thị trường
Ngày 10.8 vừa qua, 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được đấu giá và tạo ra một “kỷ lục mới” cho giá đất ở ngoại thành Thủ đô, khi giá trúng đấu giá dao động từ 55 - 100 triệu đồng/m2, gấp từ 6 - 8 lần giá khởi điểm, gây “sốt” cho giới đầu tư.
Đáng chú ý là ngay sau phiên đấu giá trên, nhiều lô đất lập tức đã được bán lại với giá chênh lệch từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Theo anh Võ Hồng Quảng (người đã tham gia phiên đấu giá ngày 10.8), anh đã trả đến 50 triệu đồng mỗi m2 cho ba lô liền kề 85 m2, ở mặt đường, gấp 4,5 lần giá khởi điểm nhưng vẫn không trúng lô nào.
Cũng theo anh Quảng, khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá đất, anh đã đi khảo sát khá nhiều ngày trên địa bàn giá đất dao động từ 18 - 39 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Bởi vậy, khi giá đất bị đẩy lên bất ngờ thì anh đành bỏ cuộc.
Khi những người tham gia đấu giá nhưng không trúng đã được mời chào ngay một số lô đất mặt đường với mức chênh 500 triệu đồng cộng vào giá trúng.
“Đa phần những người trúng đấu giá toàn ở các địa phương khác, sau 3 ngày “thổi giá” nhưng không bắt được “sóng” nhà đầu tư, những người môi giới hạ giá bán chênh xuống còn 90 triệu đồng đến 200 triệu đồng/lô đất”, anh Quảng cho hay.
Ông Đỗ Văn Thạch - CEO của Dova Land - cho biết, theo quy định mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá là 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm. Trong khi đó, mức khởi điểm được đưa ra rất thấp (khoảng 12 triệu đồng/m2, tương đương 685 triệu đồng đến hơn một tỉ đồng/lô), tức là người tham gia chỉ cần đặt cọc khoảng 120 - 200 triệu đồng/lô, nếu sang tay với mức chênh thấp nhất 120 triệu đồng, người trúng "vẫn hòa vốn, chỉ lỗ tiền mua hồ sơ", còn sang nhượng được mức ở chênh 300 - 500 triệu đồng "lập tức có lãi trăm triệu đồng". Trường hợp không sang tay được, họ sẽ chấp nhận bỏ cọc.
Cũng theo ông Thạch, nhiều nhà đầu cơ, môi giới sẽ lợi dụng, lấy mức trúng đấu giá đó làm điểm neo nhằm "đẩy hàng" xung quanh. Hệ lụy là bất động sản xa vời với người có nhu cầu sử dụng thật.
Liệu có chuyện bỏ cọc?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) cho rằng, đã đẩy mặt bằng giá đất khu vực, gây khó khăn cho những người có nhu cầu thực là việc đáng lo ngại cho thị trường bất động sản
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc trả giá cao trong các phiên đấu giá để "thổi" giá bất động sản không hiếm trong thời gian vừa qua. Không ít trường hợp người tham gia đấu giá (thường là nhóm các nhà đầu cơ) cố tình trả giá cao để tạo ra mặt bằng giá mới rồi sau đó "lướt cọc" hoặc "bỏ cọc", thoát hàng ra để chốt lời. Do đó, người dân nên cẩn trọng khi xuống tiền để mua lại những thửa đất đấu giá.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Công ty Luật Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), mục đích chính các đối tượng thổi giá nhằm lũng đoạn thị trường, gây hoang mang cho những người tham gia đấu giá, thậm chí nhiều trường hợp nhằm mục đích trục lợi, kiếm lời. Điều này gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn đến uy tín, kinh tế cho cơ quan quản lý Nhà nước, thất thu ngân sách.
Về mức xử phạt hành chính áp dụng theo quy định tại Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng. “Đây là mức xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe”, luật sư Hùng cho hay.