MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần tăng mức trợ cấp hằng tháng do suy giảm khả năng lao động

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 27/03/2024 12:15

Bị tai nạn lao động từ năm 2015 khi đang làm việc tại công trường, hiện mức trợ cấp suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hằng tháng của anh Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1987, quê Thái Bình) chỉ vỏn vẹn 712.000 đồng/tháng.

Tháng 9.2015, khi đang làm việc ở một công trình, anh Tuấn Anh bị thương rất nặng do cần cẩu đổ ngã đè vào chân gây gãy chân và vỡ xương cẳng ống. Thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động kéo dài gần 1 năm.

Sau khi điều trị vết thương ổn định, đến tháng 7.2016, anh được doanh nghiệp nơi anh đang làm việc cấp giấy giới thiệu để anh đi giám định thương tật do suy giảm khả năng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động.

Với thương tật và tỉ lệ suy giảm khả năng lao động là 34%, theo quy định của pháp luật hiện hành, anh được hưởng trợ cấp suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hằng tháng. Mức trợ cấp tính theo tỉ lệ suy giảm khả năng lao động là 435.600 đồng. Mức trợ cấp tính theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội (tổng thời gian anh đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 8.2015 là 6 năm 1 tháng) là 53.130 đồng. Tổng số tiền trợ cấp hằng tháng anh nhận là 488.730 đồng.

Thời điểm đó, cầm quyết định nhận trợ cấp hàng tháng do suy giảm khả năng lao động anh có cảm giác rất hụt hẫng vì mức trợ cấp hàng tháng của anh quá thấp, chưa đến 500.000 đồng. Đặc biệt, với thời gian công tác hơn 6 năm cũng đồng nghĩa là thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng mức trợ cấp tính theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ vỏn vẹn có 53.130 đồng - một con số quá thấp.

Mỗi dịp mức lương cơ sở được điều chỉnh kéo theo là tiền lương hưu và các loại trợ cấp khác về chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng, trong đó có chế độ trợ cấp suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động được tăng lên. Thế nhưng mức điều chỉnh trợ cấp tăng thêm đối với những người hưởng trợ cấp do tai nạn lao động hằng tháng còn quá thấp so với các khoản điều chỉnh trợ cấp khác, mỗi năm chỉ tăng thêm chỉ mấy chục nghìn đồng.

Anh Phạm Tuấn Anh mong được tăng mức trợ cấp hằng tháng do suy giảm khả năng lao động. Ảnh: Nguyễn Đước

Mấy năm nay, mặc dù sức khỏe suy yếu hơn thời gian trước, đặc biệt là chân trái của anh do di chứng của vụ tai nạn lao động để lại, nhưng anh Tuấn Anh vẫn phải cố gắng đi làm thuê, phụ một số công việc nhẹ ở công trình để có thu nhập, gửi về quê lo cho vợ con...

Hiện nay, mức điều chỉnh đối với các đối tượng nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động không cao, nếu không muốn nói là còn thấp so với những đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác như chế độ hưu trí. Do vậy, để đảm bảo tính công bằng trong việc thụ hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, cần quan tâm, xem xét có mức điều chỉnh đối với những đối tượng này.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, trong đó cần sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng, tăng tỉ lệ hưởng do thương tật đối với những người bị suy giảm khả năng lao động trên 31%.

Đặc biệt cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung mức trợ cấp tính theo thời gian, số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động theo hướng cao hơn.

Theo đó, có thể sửa đổi, bổ sung theo hướng người lao động bị suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở xuống được tính bằng 1% tiền lương tiền công đóng bảo hiểm xã hội (hiện nay là 0,5%); sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,7% tiền lương tiền công đóng tháng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị (hiện nay là 0,3%)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn