MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những viên thực phẩm chức năng thành phẩm giả mạo. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Cần tăng nặng chế tài xử phạt pháp nhân bán thực phẩm chức năng giả

LƯƠNG HẠNH LDO | 08/08/2023 07:19

Luật sư Bùi Xuân Lai cho rằng, chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe đến các đối tượng là cá nhân vi phạm hành vi buôn bán thực phẩm chức năng giả, song với các đối tượng là pháp nhân thì cần thêm các chế tài mạnh hơn để xử phạt hành vi phạm tội này.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân tăng nhanh. Lợi dụng thực tế này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng nhưng lại dán mác nhập ngoại, lừa đảo người tiêu dùng.

Ngày 1.6, Đội Quản lý thị trường số 1, Đội Quản lý thị trường số 25 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ bắt quả tang cơ sở sản xuất hàng chục nghìn lọ thực phẩm chức năng nghi là hàng giả.

Ngày 16.6, Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 2 bị can trong vụ buôn bán hàng giả là thực phẩm. Đây là vụ khởi tố đầu tiên mà lực lượng Quản lý thị trường phối hợp phát hiện và xử lý trên không gian mạng.

Mới đây nhất, ngày 13.7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thông tin về việc khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan việc kinh doanh thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

Để triệt xóa đường dây này, Công an tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đồng loạt khám xét khẩn cấp chỗ ở của 14 trường hợp, thu giữ và niêm phong số tiền mặt hơn 7,4 tỉ đồng; 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 2,58 tỉ đồng.

Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã thanh tra, kiểm tra 12.052 vụ (tăng 14,17% so cùng kỳ), xử lý hành chính 11.136 vụ vi phạm (tăng 18,12% so cùng kỳ).

Dưới góc độ pháp lí, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống Luật sư X, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, vấn đề quản lý và xử phạt quảng cáo sai sự thật về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Trong trường hợp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt cao nhất với mức tù chung thân với cá nhân hoặc phạt đến 18 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm với pháp nhân thương mại phạm tội.

Theo vị luật sư, với các mức xử phạt từ phạt áp dụng với các cá nhân từ 5 đến 20 năm và ngoài ra áp dụng các hình thức phạt bổ sung như phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Có thể thấy rằng, chế tài xử phạt đã có đủ sức răn đe đến các đối tượng là cá nhân vi phạm.

Luật sư Bùi Xuân Lai (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

“Tuy nhiên, đối với mức xử phạt áp dụng với các pháp nhân thì có thể mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bởi vì trên thực tế có thể thấy, vi phạm quy định này phần lớn vẫn là do chủ thể là các pháp nhân, số lợi bất chính thu được từ hành vi này là rất lớn. Chính vì vậy, nhiều pháp nhân vẫn bất chấp vi phạm để thực hiện hành vi đó” - vị luật sư nhận định.

Luật sư Bùi Xuân Lai cũng đề nghị cần có thêm các chế tài mạnh hơn để răn đe hành vi phạm tội kể trên. Không chỉ xử phạt về mặt kinh tế mà còn cần mạnh tay hơn, đình chỉ vĩnh viễn hoạt động kinh doanh của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn