MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng mà nhiều học sinh thường về tham quan, hành hương. Ảnh: Trần Tuấn.

Cần tăng trải nghiệm cho dạy và học môn Ngữ văn

NGUYỄN THỊ QUỲNH GIANG ( GV Ngữ văn Trường THPT Hồng Lĩnh) LDO | 05/11/2021 15:56
Hà Tĩnh - Hoạt động trải nghiệm trong môn học Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn, có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam…

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động. Qua đó, phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.

Đổi mới dạy học môn Ngữ văn góp phần tạo được hứng thú, tính tích cực cho người học. Việc dạy học Ngữ văn gắn liền với hoạt động trải nghiệm là một trong những con đường, cách thức đổi mới phương pháp giáo dục trong nhà trường góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Các hoạt động trải nghiệm có thể thực hiện dưới nhiều hình thức rất phong phú và đa dạng, hấp dẫn đối với học sinh, giúp các em hình thành, phát triển năng lực như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức tham quan, dã ngoại, các cuộc thi, hoạt động nhân đạo, lao động công ích,...

Có thể chia hoạt động trải nghiệm thành 3 mức độ: Tham quan là loại trải nghiệm mang tính vui chơi và tùy hứng, giờ học thực tế với yêu cầu viết cảm nhận sau chuyến thực tế chính là hình thức học tập trải nghiệm trên đường chính quy hóa. Bậc cao nhất là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bậc này chính thức khẳng định vai trò của hoạt động trải nghiệm trong đổi mới giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

“Sân khấu hóa” trong giờ học của học sinh. Ảnh: Quỳnh Giang.
Trong môn Ngữ văn, cơ hội phát triển năng lực không chỉ đem đến cho người học, mà ngay cả người làm thầy dạy văn chương cũng được “bứt” khỏi sách vở, để có đường dẫn sinh động nối giữa văn với đời. Đó là những hành trình hữu ích và ý nghĩa với cả người dạy và người học.

Từ mô hình học tập trải nghiệm của David Kolb, khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần thực hiện đầy đủ theo quy trình các giai đoạn sau:

Bước 1: Đề xuất một nhiệm vụ cho chủ đề. Bước 2: Học sinh tự trải nghiệm trong thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bước 3: Học sinh làm báo cáo kết quả hoạt động theo nhiệm vụ được giao sau khi quá trình trải nghiệm kết thúc. Bước 4: Học sinh báo cáo nhiệm vụ và quá trình trải nghiệm của mình trước tập thể. Bước 5: Tổng kết quá trình hoạt động, học tập, thực hiện nhiệm vụ của học sinh.

Khi dạy học chủ đề văn bản thuyết minh theo hướng trải nghiệm, giáo viên tập trung vào các hoạt động như: Hoạt động sân khấu hóa, Hoạt động tổ chức các diễn đàn/cuộc thi /hội thi, Hoạt động tham quan tìm hiểu, Hoạt động dạy học theo dự án.

Hoạt động sân khấu hóa: Học sinh tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, các nhân vật lịch sử, các tác giả văn học thông qua các hình thức như: đóng vai, dựng hoạt cảnh hoặc “Tập làm người dẫn chương trình truyền hình” đi thực tế tham quan các cảnh đẹp, các di tích lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn