MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày cận Tết dịch vụ đánh giày làm không hết việc. Ảnh: Minh Hạnh

Cận Tết đánh giày tăng giá vẫn không hết khách

Minh Hạnh LDO | 08/02/2024 19:03

Dù mai đã là 30 Tết nhưng những người thợ sửa chữa, đánh giày dép vẫn chưa về quê, chấp nhận ở lại Hà Nội căng mình làm việc, mong kiếm thêm chút đỉnh.

Đánh giày tăng giá gấp đôi vẫn không hết khách

Trong những ngày cuối cùng của năm, đường phố Hà Nội có phần khác lạ với ngày thường. Người dân hối hả đi sắm Tết, những người ở tỉnh xa tất bật thu xếp công việc để về quê sum họp gia đình.

Đối với ông Trần Văn Thông (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) có cửa hàng đóng giày, sửa chữa giày trên đường Lạc Long Quân, những ngày này mới là dịp cao điểm để sửa chữa và đánh giày. Tâm lý ai cũng muốn ngoại hình tươm tất hơn trong những ngày đầu năm mới nên điểm hành nghề của ông Thông nhận được nhiều đơn hàng hơn ngày thường.

Vợ chồng anh Văn Đức Hùng làm không hết việc. Ảnh chụp 15 giờ 30 tại Kim Giang, Hà Nội : Minh Hạnh

Theo ông Thông, cửa hàng bán giày nhỏ nên những ngày sát Tết chủ yếu nhận sửa chữa giày và đánh giày. Khách hàng đông, làm việc làm không hết. Nhu cầu của người dân tăng mạnh khiến ông làm việc không ngơi tay. “Mỗi ngày tôi đánh được từ 30 - 50 đôi giày, giá dịch vụ là 20 nghìn đồng/đôi", ông Thông chia sẻ.

Ngoài đánh giày, lượng người vào cửa hàng để sửa chữa giầy dép như đóng lại đế, khâu quai cũng khá đông. Thậm chí, có những đôi giày phải sửa chữa tốn thời gian, ông Thông phải khéo léo từ chối khách, bởi nếu nhận, sẽ không kịp để trả họ trước ngày 30 Tết.

Theo ghi nhận, phần lớn những giày dép mang đến các cửa hàng để tân trang là đồ đắt tiền có giá trị. Do đó, những thợ đánh sửa giày cũng tỉ mỉ và cẩn thận hơn trong mọi công đoạn xử lý giày cũ. Đây là thời điểm vàng để những người làm nghề buôn bán, dịch vụ tân trang đồ dùng, vật dụng chạy đua với thời gian để phục vụ khách hàng.

Đánh giày dạo ngồi một chỗ vẫn không hết việc

Khác với một số người làm nghề đánh giày quê ở xa, nhà anh Văn Đức Hùng ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội, nên anh đã “triệu tập” cả vợ lên làm và dự định đánh giày đến cuối giờ trưa 30 Tết mới về nhà.

Với giá 20.000 đồng/đôi (tăng hơn ngày thường 5.000 đồng), riêng ngày 29 Tết, vợ chồng anh Hùng đã kiếm được tiền triệu mà không phải đi mời. Vợ chồng anh ngồi ngay đường Kim Giang (Hà Nội) làm việc từ 7 giờ sáng và luôn trong tình trạng không hết khách.

Theo anh Hùng, nghề đánh giày không khó, ngoài việc tỉ mỉ, cẩn thận để đánh được một đôi giày thật bóng thì cũng phải biết làm vừa lòng khách. Trước khi đánh xi, phải lau chùi làm sạch các bụi bẩn bám trên giày bằng miếng vải cotton hay miếng da mềm, cẩn thận để không làm xước giày. Sau khi giày đã sạch và khô, lấy một lượng xi thích hợp và dùng bàn chải đánh đều lên bề mặt giày, ở những nơi khó đánh thì dùng bông tăm hay bàn chải đánh răng thay thế.

Sau khoảng 15-20 phút, khi giày đã hoàn toàn khô, thợ sẽ dùng bàn chải đánh bóng tiếp lượt nữa, những nơi bàn chải không đánh tới thì anh Hùng sử dụng bông tăm hoặc giẻ cotton thay thế. Khi hoàn thành xong các “công đoạn” trên, khách sẽ có một đôi giày sáng bóng như mới không cần phải quá cầu kỳ hay phức tạp.

“Vợ chồng tôi cố thêm ngày nữa để Tết có tiền tiêu và đóng học cho con. Nếu chịu khó thì cũng có đôi, ba triệu về quê tiêu Tết”, anh Hùng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn