MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng cáo cho vay ngay tại cổng khu nhà trọ của người lao động. Ảnh: Tất Thảo

Cận Tết, lao động cảnh giác với bẫy tín dụng đen

Minh Hạnh LDO | 31/01/2024 18:05

Nhu cầu chi tiêu vào dịp cuối năm của người lao động thường rất lớn, lợi dụng cơ hội này một số đối tượng núp bóng dưới "vỏ bọc" công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ... đưa ra nhiều hình thức cho vay khuyến mãi nhưng thực chất đây lại là bẫy tín dụng đen với lãi suất cao.

Tình trạng người lao động khó khăn về tài chính phải vay tín dụng đen và đã rơi vào cảnh nợ nần đang là vấn đề nhức nhối. Không ít đối tượng lợi dụng sự khó khăn của người lao động đã núp dưới "vỏ bọc" công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ... với nhiều phương thức, thủ đoạn để dụ dỗ hòng đưa người lao động vào "tròng" tín dụng đen.

Có thể kể một trường hợp là anh Nguyễn Duy Thắng (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) - đang làm việc tại một công ty xây dựng tại khu vực Đồng Me, Mỹ Đình 1, Hà Nội. Anh Thắng cho hay, đầu tháng 1.2024, thông qua quảng cáo trên mạng xã hội anh có vay qua app số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Tuy nhiên, mức lãi suất quá cao khiến anh không trả được nên liên tục bị chủ nợ hối thúc, đe dọa. Cùng đường, anh Thắng phải viết đơn xin công ty cho ứng trước lương để trả nợ.

Hiện nay, từ các trang mạng xã hội đến các ngõ xóm, khu trọ của công nhân đều có rất nhiều quảng cáo, tờ rơi với nội dung hỗ trợ cho vay tài chính, nhiều ưu đãi và tiện lợi như cho vay trong ngày, cho vay lấy ngay... Không ít công nhân, sinh viên vì cần tiền chi tiêu trong dịp Tết đã "dính bẫy" bởi những quảng cáo như: "Hỗ trợ vay vốn mùa Tết từ 20 triệu, lãi suất chỉ 1%/tháng, không thẩm định người thân, không giới hạn khoản vay...".

Hình thức thế chấp để vay cũng rất đa dạng, từ thẻ bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe chính chủ, đến sao kê tài khoản lương… Bên cho vay chỉ cần làm thêm vài bước xác minh là người vay đã được giải ngân.

Tuy nhiên, vay thì dễ, nhưng nếu người vay chậm thanh toán hoặc trả nợ không đúng cam kết thì lãi mẹ đẻ lãi con và quy trình siết nợ diễn ra rất gắt gao. Chưa kể, người vay thường bị cắt phế với mức khá cao ngay từ lúc giải ngân.

Anh Trần Đức Hiếu (trú tại Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hiện có rất nhiều hình thức vay tiền qua mạng xã hội, các app... Trong đó có 2 hình thức phổ biến là bốc bát họ (vay trả góp) và vay lãi nằm.

Bốc bát họ thì người vay 10 triệu đồng chỉ được cầm về 8 triệu đồng, trả trong vòng 50 ngày và đóng lãi 200.000 đồng/ngày. Nếu 5 ngày không đóng thì phải tính cộng dồn từ thời điểm giải ngân.

Vay lãi nằm có mức lãi 5.000-7.000 đồng/triệu/ngày và sẽ bị cắt lãi trước từ 15-30 ngày, nghĩa là nếu vay 10 triệu đồng thì người vay chỉ thực nhận khoảng 8 triệu đồng. Tính trung bình, lãi suất vay khoảng 120%/năm.

Anh Ngô Trung Khải (quê Thái Nguyên) - hiện đang làm nhân viên 1 công ty máy tính trên đường Thái Hà (Hà Nội) cho biết, tin vào lời dẫn dụ từ "nhân viên tư vấn" của một app, anh vay 50 triệu đồng. Chỉ trong mấy tháng số tiền cả gốc và lãi đã lên đến trên 100 triệu đồng, buộc anh phải vay mượn bạn bè, gia đình để trả gấp.

Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay thường lách luật bằng cách làm những hợp đồng mua bán xe, hàng hóa trả góp với mức lãi suất vào dạng “khủng”. Người vay khi cần tiền buộc phải làm theo những yêu cầu mà các đối tượng cho vay đã chuẩn bị sẵn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Công ty TNHH Vimax Châu Á) cho rằng, để tránh tình trạng vay lãi suất cao, nhiều rủi ro không đúng với quy định của pháp luật, người lao động không nên vay tiền qua các kênh tín dụng và các app với lãi suất cao. Khi có nhu cầu về tài chính, người lao động nên mang theo hợp đồng lao động và xác nhận bảng lương của đơn vị nơi mình làm việc đến ngân hàng để làm thẻ thấu chi (tiêu trước trả sau) đảm bảo được cuộc sống mà không cần phải cầm cố vay lãi suất cao bên ngoài.

Thống kế trong năm 2023, Cục Cảnh sát Hình sự và Công an các địa phương trên toàn quốc đã phát hiện 1.671 vụ, 2.726 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, đã khởi tố 1.062 vụ và 1.836 đối tượng.

Tính riêng cao điểm đến từ 15.9.2023 đến 31.112023 theo Kế hoạch số 452, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, khởi tố 306 vụ án/482 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, xử lý hành chính 41 vụ/126 đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn