MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận Tết, người dân dựng lều trắng đêm trông cây cảnh

Kiều Vân LDO | 11/01/2021 15:00

Cận Tết, thị trường hoa, quất bonsai, đào, cây cảnh… bước vào giai đoạn sôi động, đây cũng là lúc các chủ vườn và thương lái “dọn đồ” ra lề đường để mưu sinh.

Nằm hè, cơm quán, trắng đêm

Đi dọc một vòng quanh phố hoa những ngày cận tết như phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội), đằng sau vẻ đẹp của những chậu hoa, cây cảnh là hình ảnh của những túp lều “dã chiến” túc trực cả đêm lẫn ngày.

Chú Đỗ Văn Tư (Hoài Đức, Hà Nội) tranh thủ tỉa lại những cây quất để bán vào dịp tết đến xuân về. Ảnh: K. Vân

Hàng ngày, gia đình chú Đỗ Văn Tư (huyện Hoài Đức, Hà Nội) phải thức dậy từ 3h sáng để bắt đầu công việc bê cây, dọn dẹp, tranh thủ tỉa lại cây cho kịp bán. Năm nay, gia đình chú chọn phố hoa Lạc Long Quân làm điểm dừng chân.

Để có tiền sắm tết, chú Tư đã phải huy động cả gia đình dựng lều trại cạnh nơi bán để chờ người mua và thuận tiện cho việc chăm sóc cây cảnh.

Những túp lều bạt dựng tạm bợ của người bán. Ảnh: K. Vân

Chú Tư bắt đầu bán cây từ Tết Dương lịch. Có hôm trời lạnh đến 9 độ, cả gia đình lạnh đến phát khóc cũng không ai dám kêu.

Phải “tăng ca”, chạy đua với thời gian dịp cuối năm, cả gia đình chú Tư thường thức trắng đêm để trông cây phòng có kẻ gian đột nhập.

Nói về lượng người mua cây cảnh những ngày cuối năm, chú Tư cho hay người dân tới đây chủ yếu để xem, không nhiều người có ý định mua. Sức mua những ngày cuối năm vẫn ít hơn so với năm ngoái.

Nhiều chủ vườn, thương lái cẩn thận dùng túi nilon để bọc những trái bưởi đề phòng bị rụng do trời rét buốt. Ảnh: K. Vân

Hàng tuần liền họ phải “nằm hè, cơm quán, trắng đêm” thấp thỏm đến gầy người để lo trông và bán hàng, mong sớm được về nhà ăn Tết cùng gia đình và lo cho gia đình một có cái Tết đủ đầy.

Tiền thuê công thợ tăng

Ngày Tết đang đến gần, với các chủ vườn, người kinh doanh cây cảnh chỉ mong bán hết số hàng hiện có, mong có lãi nhiều, nhất là với những người ở các tỉnh xa mang cây vượt hàng trăm cây số đến TP. Hà Nội. Ai cũng xác định sẽ phải trụ lại đến 30 Tết mới về.

Thời tiết trở lạnh, việc tưới nước, cấp ẩm cho cây cảnh được các chủ vườn đôn đáo, giám sát. Ảnh: K. Vân

Thế nhưng, đa số các chủ vườn đều cho biết tiền thuê công thợ, máy móc, bãi bến... đều tăng so với năm ngoái. Chủ vườn đào có khoảng 300 gốc đào “khủng” - anh Hoàng Văn Hoàn (P.Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, gia đình đã phải thuê gần 20 người thợ bốc vác, vận chuyển đào cho khách.

Trung bình mỗi ngày, anh phải trả 300.000 - 320.000 đồng/ người thợ, ngoài ra lo toàn bộ chi phí ăn, ở.

Chia sẻ về cách chăm sóc đào cổ thụ, anh Hoàn nói, đào anh trồng thuộc giống đào Phú Thượng chính gốc. Cuối tháng 9 gia đình đã cho đào lên chậu và chăm sóc, với thời tiết rét buốt thì cần thường xuyên chăm bón, tưới nước cấp ẩm cho cây và chờ ngày ra hoa.

Vợ chồng anh Hoàn phải thuê thợ để khuân vác, vận chuyển và giao đào cho khách. Ảnh: K. Vân

Đối với những gốc đào “khủng” có tuổi thọ lâu năm, việc chăm sóc cần phải tỉ mỉ, kỳ công hơn do cây có tuổi thọ lâu năm, khả năng hấp thụ kém hơn so với những gốc đào trẻ.

Không riêng gì gia đình anh Hoàng Văn Hoàn, những ngày này, các chủ vườn thương lái đều phải thuê thêm người làm với giá cao thì mới kịp phục vụ cho khách hàng có nhu cầu. Mỗi người một việc, mỗi người một tay, họ hối hả với công việc của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn