MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỗn loạn tại buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long (Ảnh: VNE)

Cần thực hiện lại việc công khai xin lỗi đối với “tử tù” Hàn Đức Long

Đỗ Văn Nhân LDO | 26/04/2017 18:49
Chiều 25.4, buổi xin lỗi của TAND Cấp cao tại Hà Nội với ông Hàn Đức Long - người bị kết án tử hình oan về tội giết người - đã diễn ra tại xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên, Bắc Giang). 

Buổi xin lỗi ông Long trở nên náo loạn khi gia đình nạn nhân trong vụ án mà ông Long bị buộc tội oan đã bức xúc, lớn tiếng khi cơ quan tố tụng chưa xác định được hung thủ của vụ giết người này.

Ông Long và vợ được đưa vào hội trường nhưng phải đứng nép vào một góc cạnh cửa ra vào. Buổi xin lỗi diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 5 phút. Niềm vui của gia đình ông Long không trọn vẹn, ông không kịp nói lên cảm xúc của mình thì buổi xin lỗi đã kết thúc trong sự lộn xộn. Ông Long phải vội ra ngoài, lên xe về nhà khi người đại diện cơ quan giải quyết bồi thường chưa đọc xong lời xin lỗi.

Theo Thông tư liên tịch số 01/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 20.6.2016 quy định: “Việc trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai phải thực hiện nghiêm túc, trang trọng; sau khi người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường trình bày lời xin lỗi, cải chính công khai đối với người bị thiệt hại, người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu tiếp nhận lời xin lỗi và cải chính công khai. Người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường phải đảm bảo thời gian cho người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu”.

Buổi công khai xin lỗi đối với ông Long vừa qua cho thấy, quá trình thực hiện công khai xin lỗi chưa được nghiêm túc, thiếu trang trọng, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Để xảy ra tình trạng lộn xộn, gây rối buổi công khai xin lỗi, trách nhiệm này thuộc về cơ quan thực hiện việc giải quyết bồi thường và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự. Buổi công khai xin lỗi chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; chưa đảm bảo thời gian cho người bị oan phát biểu ý kiến, nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Do đó, cần thiết phải tổ chức lại buổi công khai xin lỗi đối với ông Long theo đúng trình tự, thủ tục. Ngoài ra, nên đưa ra phương án xử lý tình huống đối với hành vi gây rối trật tự buổi công khai xin lỗi; phải bố trí thời gian hợp lý để ông Long phát biểu, đáp từ đối với cơ quan giải quyết bồi thường; có thể kiến nghị với cơ quan giải quyết bồi thường với các nội dung như về mức bồi thường thiệt hại, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố và xét xử đối với những người đã gây ra oan sai…

Có như vậy, mới thể hiện trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường khi thay mặt nhà nước thực hiện việc công khai xin lỗi người dân. Quá trình thực phải trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và chia sẽ những mất mát, đau khổ đối với người oan sai, đồng thời phải giải quyết ngay những nguyện vọng chính đáng để họ sớm ổn định cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn