MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hộp gỗ còn để tại hiện trường rải rác trong rừng. Ảnh: T.T

Cần truy tìm đến cùng kẻ cầm đầu tổ chức phá rừng Sa Thầy, Kon Tum

THANH TUẤN LDO | 21/09/2022 10:37

Kon Tum - Cơ quan Công an huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vừa xác định được các đối tượng trong vụ án phá rừng quy mô lớn xảy ra tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy quản lý.  

Cảnh báo chưa... ráo mực

Trước đó, như Báo Lao Động đưa tin, tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy, lâm tặc triệt hạ gần 90 cây gỗ lớn gây thiệt hại hơn 147m3 gỗ. Với số lượng gỗ thiệt hại, có thể nói đây là vụ phá rừng lớn ở Tây Nguyên hiện nay. 

Nhận định lâm tặc có thể lợi dụng kỳ nghỉ lễ 2.9 để phá rừng, trước ngày nghỉ lễ 2 tuần, UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản gửi các công ty lâm nghiệp yêu cầu tăng cường chốt chặn, tuần tra, bảo vệ rừng. Đề xuất xử lý các đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ rừng. 

Tuy nhiên, công văn cảnh báo còn chưa… ráo mực thì rừng vẫn bị phá trên diện rộng và lâm tặc vẫn xách cưa vào được rừng. Thông thường, các bìa rừng, tuyến đường độc đạo luôn có các chốt liên ngành: Kiểm lâm, Bảo vệ rừng, UBND xã, Bộ đội Biên phòng quản lý, canh giữ.  

Một cây gỗ bị cưa hạ. Ảnh: T.T 

Tại các vị trí, lâm tặc cưa hạ cây gỗ khi chưa vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy - cho rằng: “Lâm tặc có dấu hiệu huỷ hoại rừng, vì thông thuờng khi cưa hạ cây nào thì chúng cưa xẻ thành phách vận chuyển đi ngay”.  

Tuy nhiên, nhận định này cũng chỉ là một gợi ý cho hướng điều tra vụ án. Không có lý do gì lâm tặc huỷ hoại rừng mà mục đích chính là cưa hạ cây để lấy gỗ. Huỷ hoại rừng là hành vi chặt, đốt, phá trắng trên diện tích rừng lớn, thường nhằm mục đích lấy đất sản xuất nương rẫy, trồng trọt.  

Không ai trồng cây gì giữa vùng rừng mênh mông, rộng lớn, đường hiểm trở của xã biên giới Mo Rai. Có thể trong vụ án phá rừng này, nhóm lâm tặc chưa kịp mở đường vận chuyển ra khỏi rừng thì sự việc bị phát giác.

Có lộ diện lâm tặc "chúa"?

Khi công an huyện Sa Thầy xác định được nhóm đối tượng trong vụ án Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum ông Dương Văn Trang đã kịp thời động viên, khen thưởng đột xuất. Đồng thời đề nghị tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.  

Thông thường trong các vụ án phá rừng quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ, lâm tặc là những kẻ được trả tiền công để trực tiếp phá rừng, cưa hạ cây gỗ. Đứng đằng sau là các nhóm đầu nậu thu mua, tàng trữ gỗ bất hợp pháp, giới trong nghề gọi là lâm tặc “chúa”.  

Với đặc thù vùng rừng biên giới được canh chừng liên tục, các lâm tặc “con” rất khó để vào rừng và cùng lắm thì khai thác, cưa hạ 5-7 cây gỗ. Với hiện trường rộng, khối lượng gỗ thiệt hại chưa dừng lại ở con số 147m3, lâm tặc ăn ở dài ngày trong rừng, chia thành các nhóm để phá chứ không làm đơn lẽ, thì đây là vụ án phá rừng phức tạp, có tổ chức, có quy mô.  

Vì thế, yêu cầu Công an mở rộng điều tra vụ án phá rừng của Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang hoàn toàn chính xác, hợp lý. Liệu trong vụ phá rừng này, có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội Huỷ hoại rừng… 

Truy bắt, xử lý nhóm đối tượng cầm cưa xăng đốn hạ cây rừng là chỉ mới điều tra được… phần ngọn. Phá rừng sẽ còn tiếp diễn bởi lâm tặc “chúa” chưa lộ diện. Bởi thế, yêu cầu điều tra mở rộng trong vụ án này là trách nhiệm nặng nề, khó khăn của Công an huyện Sa Thầy, Công an tỉnh Kon Tum.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn