MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ảnh minh họa

Cần xử lý nghiêm kiểu hành xử “xã hội đen” với DN nước ngoài.

Vương Hà LDO | 23/03/2016 11:52
Việc thỏa thuận các loại phí giữa doanh nghiệp thuê đất với chủ đầu tư khu công nghiệp về nguyên tắc phải thông qua đàm phán. Nhưng chủ đầu tư ở khu công nghiệp Tân Đức ( Đức Hòa, Long An) lại có cách hành xử kiểu ”xã hội đen”: Đổ đất “bao vây” DN của Nhật Bản. Dù bất kể lý do gì, đây là chuyện không thể chấp nhận.

 

Sự bất đồng ở đây, theo bài “Bị “khủng bố”, các doanh nghiệp Nhật Bản cầu cứu Tổng lãnh sự” ( Lao động điện tử ngày 21.3) thì chỉ là chưa đạt được thỏa thuận giữa Cty CP Đầu tư Tân Đức - chủ đầu tư khu công nghiệp Tân Đức - với hơn 30 DN nước ngoài về mức phí duy tu cơ sở hạ tầng. 

Đáng tiếc là việc thỏa thuận này chưa xong, nhưng Cty CP Đầu tư Tân Đức đã đơn phương cắt nước, rào cổng của một số doanh nghiệp. Thậm chí, cả cổng chính lẫn cổng phụ thoát hiểm của Cty Tango Candy (Nhật Bản) đều bị phía Tân Đức cho xe ben dùng đất lấp. Đây có thể là cách hành xử của doanh nghiệp với doanh nghiệp? Có thể khẳng định, không luật nào cho phép làm như vậy. 

Điều đáng nói là, mức chênh lệch tiền phí đưa ra giữa Cty Tân Đức với các DN thứ cấp là không lớn. Một bên muốn đòi là 10.018 đồng/m2, một bên chỉ muốn trả 8.500 đồng/m2. Theo ông Tango Hirosuke - giám đốc Cty Tango Candy - cơ sở của ông thuê 10.000 m2, nếu có nộp cho chủ đầu tư đúng như giá họ đưa ra thì một năm cũng chỉ mất thêm 15 triệu đồng. 

Vụ việc tưởng chừng rất đơn giản, số tiền phí chênh lệch đưa ra giữa hai bên rất nhỏ nhưng cách hành xử của CTy CP Đầu tư Tân Đức lại vô cùng nguy hại. 

Về lý do phải gửi đơn cầu cứu Tổng lãnh sự, ông giám đốc Cty  Tango Candy đã phải kêu: “Đình trệ sản xuất, mỗi ngày tôi thiệt hại khoảng 15.000 USD. Cả tuần qua tôi thiệt hại tiền tỷ, chưa tính tổn thất tinh thần, công nhân hoang mang.” Dù thiệt hại là vậy, nhưng quen với cách làm ăn bài bản, minh bạch, ông giám đốc doanh nghiệp của Nhật Bản này vẫn cương quyết: “Cần thiết thì tôi chấp nhận ngừng sản xuất chứ không thể chi tiền sai dù chỉ một đồng”. Chính đó là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản này muốn. 

Hậu quả khôn lường còn ở chỗ, chỉ riêng chuyện có đơn kêu cứu đến Tổng lãnh sự Nhật Bản ở TP. HCM, các DN Nhật nói riêng và các DN nước ngoài nói chung sẽ nghĩ gì? Họ không cần biết cách tính giá phí đúng sai thế nào, nhưng hành xử kiểu đó là điều không thể chấp nhận được với họ.  Đó là hình ảnh xấu về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chắc chắn họ không thể không lo ngại khi muốn đầu tư vào Việt Nam. 

Do đó, nhằm lấy lại hình ảnh của chúng ta, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương một mặt sớm yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp Tân Đức phải nhanh chóng dọn dẹp “chiến trường”. Mặt khác, phải có biện pháp xử lý thích đáng với những DN nghiệp thích giải quyết bằng giải pháp “bẩn” kiểu như Cty CP Đầu tư Tân Đức. Đồng thời, cần có lời xin lỗi chính thức các DN nước ngoài đang chịu thiệt hại vì cách cư xử kiểu “xã hội đen” ở đây. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn