MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảng cá Xuân Hội ở Hà Tĩnh bị bồi lắng nghiêm trọng phải chờ thủy triều lên tàu thuyền lớn mới ra, vào được. Ảnh: Trần Tuấn.

Cảng cá bị bồi lắng, tại sao không xã hội hóa để nạo vét?

TRẦN TUẤN LDO | 15/02/2023 09:36

Hà Tĩnh - Tình trạng luồng lạch, cảng cá ở Hà Tĩnh bị bồi lắng đã từng được thực hiện xã hội hóa để nạo vét mang lại hiệu quả khá cao, nhà nước lại không phải bỏ ngân sách. Thế nhưng, việc xã hội hóa chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn rồi chấm dứt, câu hỏi đặt ra là tại sao không tiếp tục thực hiện xã hội hóa nạo vét trong bối cảnh các cảng cá hiện đang bị bồi lắng rất nghiêm trọng?

Bồi lắng nghiêm trọng

Tình trạng luồng lạch, cảng cá Xuân Hội (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (Thạch Kim, huyện Lộc Hà) bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu thuyền ra khơi, cập cảng Báo Lao Động đã nhiều lần phản ánh.

Ngày 15.2, ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh - cho hay, hiện nay các luồng lạch ở cửa biển, khu neo đậu tránh trú bão và các cảng cá ở Hà Tĩnh nói chung đang bị bồi lắng nghiệm trọng, các tàu thuyền lớn phải phụ thuộc vào thủy triều lên mới có thể ra khơi, cập cảng được.

Trong đó, hiện nay bị bồi lắng nghiêm trọng nhất là cảng Xuân Hội, tiếp đến là Cửa Sót, rồi đến khu neo đậu ở Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên).

Cũng theo ông Sơn, qua nghiên cứu, một năm ở cảng Cửa Sót bị bồi lắng khoảng 100.000 m3 cát.

Ngư dân khốn khổ vì cảng Xuân Hội bị bồi lắng. Ảnh: Trần Tuấn.

“Trong các báo cáo hàng năm và cuối năm ngoái báo cáo chuyên đề, chúng tôi đều báo cáo về tình trạng các cảng cá bị bồi lắng và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh bố trí nạo vét. Thế nhưng việc nạo vét khó triệt để vì cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn” - ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh, cách đây 6 năm, tại cảng Cửa Sót đã được thực hiện xã hội hóa khi Hợp tác xã Hải Hà tiến hành nạo vét cảng này. Thế nhưng, chỉ thực hiện được ít năm rồi dừng vì vướng quy định của Nghị định 158 khi xã hội hóa nạo vét thì hướng dẫn không rõ nên các địa phương bị vướng mắc.

Cụ thể, theo ông Sơn về giá, thuế khi tận thu cát nạo vét không có hướng dẫn cụ thể, mà nếu áp dụng phải tính đúng tính đủ thuế, phí như mỏ khai thác tài nguyên khoáng sản thì không thể thực hiện xã hội hóa nạo vét được. Bởi sản phẩm tận thu cát ở cảng biển là cát mặn, giá trị thấp, kén người sử dụng, chỉ sử dụng vào cải tạo hồ tôm hoặc san lấp mặt bằng đường sá.

Dẫn ví dụ cụ thể hơn, ông Sơn nói như hiện nay cát ngọt giá khoảng 120.000 đồng/m3 trong khi cát mặn giá chỉ khoảng 60.000 đồng/m3.

Cần sớm gỡ vướng để xã hội hóa nạo vét

“Tôi kiến nghị Chính phủ, nhà nước nghiên cứu lại để điều chỉnh Nghị định 158 theo hướng khuyến khích được xã hội hóa trong nạo vét cảng biển, luồng lạch để làm sao nhà nước không mất ngân sách nạo vét mà doanh nghiệp cũng có được nguồn thu nhất định từ tận thu cát nạo vét để đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là để ngư dân ra vào cảng thuận lợi, yên tâm bám biển bền vững.” - ông Bùi Tuấn Sơn bày tỏ.

Ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh cũng khẳng định, hiện nay 4 cửa lạch ở cảng biển Hà Tĩnh đều bị bồi lắng, ảnh hưởng đến việc ra, vào cảng của tàu, thuyền.

Trong đó, cảng Cửa Sót đã từng thực hiện một số dự án nạo vét nhưng được một thời gian thì cũng bị bồi lắng trở lại.

Cảng cá Cửa Sót bị bồi lắng. Ảnh: Trần Tuấn.
“Viện Khoa học thủy lợi từng có nghiên cứu chạy mô hình thủy lực ở Cửa Sót chỉ ra rằng khoảng 5 năm thì việc bồi lắng ở cảng cá này trở lại như cũ, như trước khi có một dự án nạo vét” - ông Nhân chia sẻ.

Cũng theo ông Nhân, cách đây mấy năm tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương thực hiện xã hội hóa để nạo vét luồng lạch, cảng biển. Đây là một chủ trương rất tốt vì nhà nước không mất ngân sách nạo vét, doanh nghiệp nạo vét được tận thu cát và mục đích cuối cùng là luồng lạch được khơi thông, tàu thuyền ra vào thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang vướng quy định nên việc xã hội hóa chưa thông được để mà thực hiện.

Bởi vậy ông mong muốn sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc để sớm thực hiện được xã hội hóa sao cho cả nhà nước, doanh nghiệp và ngư dân đều có lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn