MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trang Facebook, kênh YouTube của những người nổi tiếng luôn là mục tiêu tấn công chiếm quyền của tin tặc. Ảnh: Facebook cá nhân của danh thủ Ivanovic bị chiếm quyền vào tháng 7.2020. Chụp màn hình.

Cảnh báo từ hàng loạt kênh YouTube triệu views bị đánh cắp

Thế Lâm LDO | 23/11/2020 12:08

Hàng loạt kênh YouTube triệu views, trong đó có những kênh của các sao showbiz, đã bị tin tặc bằng cách nào đó đánh chiếm để livestream lừa đảo nhận Bitcoin.

Tình trạng những người nổi tiếng, trong đó có các sao showbiz hay doanh nhân giàu có bị đánh chiếm kênh YouTube, Facebook, Twitter không phải là chuyện hiếm.

Cách đây vài tháng, trang Facebook của danh thủ Branislav Ivanovic - cựu cầu thủ của Chelsea - đã bị hacker Việt tấn công chiếm quyền và sau đó được sử dụng để livestream bán hàng đã gây phản ứng bất bình trong dư luận.

Tuy nhiên với đợt chiếm quyền kênh YouTube của một số người nổi tiếng trong giới showbiz như Lý Hải, Hồ Quang Hiếu…, hiện vẫn chưa phát hiện ra thủ phạm là tin tặc trong nước hay nước ngoài, và cũng chưa có đối tượng nào là tin tặc đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về bảo mật, việc tấn công chiếm quyền hàng loạt kênh trong một khoảng thời gian không dài (chiều ngày 20.11) cho thấy thủ phạm phải là những đối tượng am hiểu công nghệ, thậm chí xác suất là tin tặc rất cao vì mục đích chiếm quyền đã lộ ra sau đó là dùng kênh để livestream lừa đảo nhận Bitcoin.

Vụ việc này có nét tượng tự như đợt hacker tấn công chiếm quyền của nhiều người nổi tiếng ở Mỹ, trong đó có cựu tổng thống Obama, Bill Gates… cũng nhằm lừa đảo về Bitcoin.

Trong những vụ lừa đảo trên, số tiền bị tin tặc lừa lên đến hàng trăm ngàn USD. Những người mắc bẫy chỉ vì tin rằng đó là trang/kênh mạng xã hội của những người nổi tiếng mà mình hâm mộ, có uy tín.

Trong vụ việc hàng loạt kênh YouTube triệu views của những người nổi tiếng bị đánh cắp vừa xảy ra tại Việt Nam, giới chuyên gia nhận định có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Dễ xảy ra nhất là việc click vào các đường link bị cài mã độc gửi qua email, tin nhắn qua đó tin tặc thu thập mật khẩu và các thông tin bảo mật của tài khoản; hoặc bị lộ mật mã livestream (key stream)… Trong các nguyên nhân bị lộ mật khẩu hay thông tin cần bảo mật, có lí do từ chủ quan nhưng cũng có không ít trường hợp bị sập bẫy lừa đảo.

Chính vì thế, người dùng cần luôn cảnh tỉnh trước các trường hợp những tin nhắn lạ hoặc vờ là người quen cũ, các đường link không quen biết gửi qua email, những thư điện tử mời mọc bất cứ một thứ gì đó mà cảm thấy không đáng tin cậy… Không chỉ không click vào các đường link mà người dùng nên xóa ngay những email gửi đến đó để tránh các hệ lụy về sau.

Tình trạng tấn công chiếm quyền Facebook, YouTube để livestream bán hàng còn xuất phát từ thực tế là hai nền tảng này ngày càng siết chặt hoạt động quảng cáo bán hàng trên các nhóm cộng đồng, đặc biệt là những nhóm có cộng đồng đông và lượt xem cao. Nhu cầu bán hàng livestream ngày càng dâng cao từ đó tin tặc đánh cắp tài khoản, chiếm quyền kênh để bán lại cho những người có nhu cầu.

Trên thực tế, những trường hợp người nổi tiếng bị tin tặc chiếm quyền điều khiển trang/kênh mạng xã hội thường gây ra phiền phức vì bị lợi dụng, hiểu lầm vẫn còn đỡ hơn trường hợp bị “lật tẩy” và sử dụng trang/kênh mạng xã hội đó vào những việc làm vi phạm pháp luật. Đơn cử như trường hợp cầu thủ Quang Hải bị tin tặc tấn công Facebook cá nhân và tung ra những tin nhắn riêng tư yêu đương của cầu thủ này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn