MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh giác với giả danh xe ôm công nghệ để trộm cắp. Ảnh: Minh Hạnh

Cảnh giác nạn giả danh xe ôm công nghệ để trộm cắp

Minh Hạnh LDO | 31/03/2023 16:26
Trước sự “bùng nổ” của xe ôm công nghệ, nhiều đối tượng đã mặc đồng phục giả tài xế xe ôm công nghệ vi phạm pháp luật. Để bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để xử lý tình trạng này.

Ngày 26.3.2023, trên tài khoản Facebook tên Nguyễn Mạnh Dũng có đăng tải đoạn clip ghi tại 1 cây xăng. Khi đổ xăng, lái xe xuống trả tiền đã bị một đối tượng mặc áo xe công nghệ Grab mở cửa lấy chiếc ví trong xe rồi tháo chạy.

Trước đó, ngày 23.7.2022, Công an quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) đã khởi tố bị can đối với Trần Phạm Phước Thành (27 tuổi, tạm trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) về hành vi "Trộm cắp tài sản". Theo điều tra ban đầu, để có tiền tiêu xài, Thành nghĩ cách mua sắm quần áo rồi giả danh là tài xế xe ôm công nghệ Grab để dễ thực hiện các vụ đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản.

Một đối tượng giả danh xe ôm công nghệ để trộm cắp bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp

Đã có rất nhiều vụ mặc áo đồng phục của các hãng xe công nghệ để trộm cắp.

Cụ thể, khoảng 16h00 ngày 9.3.2019, tại khu vực đường Cienco 5, đoạn qua địa bàn thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội), thanh niên đi xe máy, mặc đồng phục GrabBike đã dùng búa đập vỡ kính của xe ôtô đỗ bên đường, lấy đi chiếc túi da bên trong có 20 triệu đồng cùng nhiều đồ trang sức giá trị.

Tương tự, ngày 28.10.2019, chủ một cửa hàng thời trang tại khu vực đường Cầu Giấy thuê tài xế mặc đồng phục GrabBike biển kiểm soát 29-H8.84xx chuyển hàng cho khách, tài xế này đã lấy toàn bộ hàng hóa và bỏ trốn… Sau khi xác minh, đại diện hãng xe ôm công nghệ Grab cho hay, những trường hợp trên đều là tài xế Grab giả mạo.

Theo ghi nhận, tại những điểm tập trung lượng khách lớn như bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện, chợ… luôn xuất hiện những đối tượng mặc đồng phục giả mạo tài xế các hãng xe ôm công nghệ đón khách với giá cao.

Để có một chiếc áo đồng phục của xe ôm công nghệ chỉ cần chi 120.000 - 200.000 là có thể mua được.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, trên tuyến đường Lê Duẩn, đoạn từ Ga Hà Nội đến ngã tư phố Khâm Thiên, rất nhiều cửa hàng bày bán áo đồng phục của các hãng xe ôm công nghệ với giá rất rẻ: Mũ 100.000 đồng/chiếc, áo thun 120.000-150.000 đồng/chiếc, áo khoác giá 200.000 đồng/chiếc, nếu mua combo cả 3 sản phẩm của Grab sẽ có giá ưu đãi là 350.000 đồng…

Chưa kể, chỉ cần lên mạng xã hội tra từ khóa “đồng phục Grab”, sẽ có rất nhiều địa chỉ bán hàng chào mời. Việc mua đồng phục các hãng xe công nghệ dễ dàng cũng là một phần nguyên nhân khiến các đối tượng trộm cắp "biến hình" trong loại đồng phục này.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Grab Việt Nam khẳng định, luôn thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ rất chặt chẽ. Khi đăng ký trở thành đối tác tài xế của GrabBike, người đăng ký cần hoàn thiện các thủ tục như lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương, có đầy đủ các giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, CMND/CCCD), giấy chứng nhận đăng ký xe và bằng lái xe đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người đăng ký cũng phải tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về dịch vụ do Grab tổ chức như quy định lái xe an toàn, quy tắc ứng xử... Sau khi hoàn tất các thủ tục bắt buộc và các chương trình tập huấn của Grab, người đăng ký mới chính thức trở thành đối tác tài xế GrabBike.

"Trong suốt quá trình hợp tác và khi ngừng hợp tác, chúng tôi cũng thực hiện quy trình chặt chẽ về việc thu hồi đồng phục cũ, hỏng.

Nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng lợi dụng đồng phục GrabBike, Grab đã gửi văn bản đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đến Phòng An ninh kinh tế - Công an TPHCM.

Trong suốt quá trình này, chúng tôi cam kết sẵn sàng cung cấp các thông tin hỗ trợ và phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu nhằm rà soát, xác minh phục vụ công tác điều tra, xử lý cũng như tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự đường phố.

Về phía người dùng, chúng tôi khuyến khích người dùng luôn đặt xe thông qua ứng dụng Grab để có được thông tin chi tiết về tài xế (hình ảnh, tên, số điện thoại, biển số xe), đồng thời để Grab có thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố.

Ngoài ra, người dùng cũng nên kiểm tra kỹ biển số xe và hình ảnh nhận diện của tài xế trước khi lên xe để không lên nhầm xe. Trong trường hợp cần bất kỳ hỗ trợ nào, người dùng có thể liên hệ Grab 24/7 để được kịp thời tiếp nhận phản ánh và trợ giúp", vị này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn