MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ đoạn lừa đảo quét mã QR code để nhận tiền. Ảnh: Công an TPHCM

Cảnh giác với hàng loạt chiêu lừa đảo bằng mã QR

KHÁNH AN LDO | 09/07/2024 10:30

Hàng loạt chiêu lừa đảo biến tướng dưới hình thức quét mã QR như: Quét mã QR nhận thẻ cào, quét mã QR thanh toán... Theo các chuyên gia, việc quét mã QR không khiến điện thoại của người dân bị dính mã độc ngay lập tức, tuy nhiên, những thao tác sau đó như truy cập đường link lạ, tải phần mềm tiềm ẩn nhiều ủi ro.

Chiêu lừa quét mã QR nhận tiền

Mới đây, một số người dân tại TPHCM phản ánh việc trên xe máy, cửa nhà họ có treo các thẻ nhựa mệnh giá tiền 30.000, 50.000, 100.000 đồng. Theo thông tin trên thẻ nhựa, người dân cần quét mã QR, sau đó liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng để nhận được số tiền tương ứng trên thẻ. Tuy nhiên, khi người dân quét mã QR và truy cập vào đường link, điện thoại bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển.

Đây không phải lần đầu tiên hình thức lừa đảo thông qua mã QR xuất hiện tại Việt Nam. Nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để biến tướng thành các chiêu lừa đảo khác nhau. Theo đó, mã QR thanh toán tại các cửa hàng bị dán đè, khiến số tiền khách chuyển khoản lại chảy về tài khoản của kẻ gian.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội. Đặc biệt, các mã QR độc hại này còn xuất hiện trong các màn phát trực tiếp (livestream). Khi người xem quét mã sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại.

Một số ngân hàng tại Việt Nam cũng đã phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR. So với đường link độc hại truyền thống thì mã QR có lợi thế là có thể chèn trực tiếp vào email, tin nhắn mà không bị các bộ lọc chặn lại, từ đó dễ dàng tiếp cận người dùng.

Cẩn trọng trong từng thao tác

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Thìn - Chuyên gia bảo mật của Chongluadao cho biết, mã QR là một dạng thông tin được hiển thị dưới dạng hình ảnh 2D vạch ma trận. Đây là một dạng thông tin được mã hóa để hiển thị sao cho máy có thể đọc được. Mã QR cho phép các thiết bị đọc mã thông qua camera trên smartphone.

Ông Thìn khẳng định, việc mở camera và quét mã QR không làm cho điện thoại của người dùng bị dính mã độc/bị hack ngay lập tức. Tuy nhiên, những thao tác sau đó có thể khiến người dùng gặp nhiều rủi ro. Nếu người dùng quét mã QR, sau đó truy cập vào đường link hoặc tải phần mềm lạ, điện thoại có thể bị chiếm quyền điều khiển. Từ đó, thông tin của người dùng cũng có thể bị lộ lọt.

"Nếu lỡ click vào đường link lạ hoặc tải phần mềm lạ, người dùng cần ngay lập tức ngắt kết nối Internet sau đó sao lưu dữ liệu của điện thoại bằng máy tính. Tiếp đó, cần cài đặt lại thiết bị về cài đặt gốc. Cuối cùng, cần thiết lập lại thông tin và đổi mật khẩu toàn bộ các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội…" - chuyên gia bảo mật đưa ra lời khuyên.

Theo Công an TPHCM, người dân tuyệt đối không cài các ứng dụng từ các trang web, cổng thông tin bên ngoài mà chỉ nên cài trên kho ứng dụng CH Play, Apple Store. Đồng thời người dân không quét mã QR, không click vào đường link lạ hoặc cung cấp mật khẩu, thông tin cá nhân cho người lạ.

Người dân cần bật chức năng Google Play Protect, điều này sẽ giúp quét và phát hiện các ứng dụng độc hại hiện có hoặc các ứng dụng mới đang có ý định cài đặt.

Ngoài ra, cần thường xuyên nâng cấp hệ điều hành điện thoại và sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền. Nên đặt hạn mức số tiền chuyển khoản trực tuyến để kịp thời hạn chế thiệt hại khi bị cài mã độc. Nhanh chóng phong tỏa tài khoản cá nhân, công ty nếu nghi vấn và báo cho cơ quan công an.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn