MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình "Cuộc hẹn cuối tuần" tập 11 phát sóng trên VTV3 tối 25.9 phản ánh bất cập trong video dạy học trực tuyến.

Cảnh giác với video dạy học trôi nổi mùa dịch

PHAN NỮ LA GIANG LDO | 14/10/2021 10:07

Cùng với việc dạy học trực tuyến để ứng phó dịch COVID-19, mạng xã hội xuất hiện nhiều video dạy học nội dung sơ sài, sai về kiến thức và lệch chuẩn. Để học sinh xem, học theo các video này sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Trong "Cuộc hẹn cuối tuần" tập 11 phát sóng trên VTV3 tối 25.9, các nghệ sĩ Vân Dung, Trung "Ruồi", Duy Nam, Dũng Hớn... đã mang đến chương trình một tiểu phẩm hài hước. Trong đó, Vân Dung đóng vai một người mẹ có con trai sắp thi đại học, Trung ruồi là giáo viên dạy môn Văn. Người mẹ sẵn sàng chi tiền với mục tiêu "chỉ cần con tôi vào đại học", trả 3 thầy giáo 1 triệu đồng/buổi học.

Thầy giáo Trung "Ruồi" phân tích tác phẩm Bắc kim thang trong buổi học đầu tiên. Từ mấy câu thơ, thầy giáo Trung đã suy luận ra một câu chuyện vô cùng ly kỳ mà có lẽ chưa ai nghĩ ra được. Thầy giáo phân tích say mê, nhấn nhá đầy cảm xúc khiến người xem bật cười. 

Tiểu phẩm hài đã phần nào phản ánh thực trạng về nội dung các video dạy học trôi nổi trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Cách đây vài hôm, tình cờ tôi được xem một clip bài dạy về cách nhân 2 số có 2 chữ số, với dòng quảng cáo "Phương pháp nhân độc đáo, ở trường không dạy" trên Facebook. Trước lời mời hấp dẫn như vậy, mấy ai có thể bỏ qua.

Tôi vào xem, và phải rất cố gắng mới xem được đến hết clip, vì e sự độc đáo nằm ở những giây cuối. Vậy nên, xem xong, bị choáng! Vì sao một nội dung như thế lại được mang truyền dạy cho trẻ thơ, và bảo rằng nó "độc đáo"?

“Phương pháp nhân độc đáo“, một video dạy học lệch chuẩn sư phạm.

Xin được tóm tắt quy trình thực hiện như sau:

Bước 1: Lập một "bảng" gồm 2 cột.

Bước 2: Ghi vào cột thứ nhất các số được tạo ra từ số bị nhân, bằng cách chia các số "được ấn định" cho 2, rồi lấy phần nguyên của kết quả. Đồng thời, ghi vào cột thứ hai các số được tạo ra từ số nhân, bằng cách nhân các số "được ấn định" với 2.

Bước 3: Lấy ở cột thứ hai các số nằm cùng hàng với số lẻ ở cột thứ nhất, rồi cộng chúng lại với nhau. Kết quả thu được ở bước 3 là kết quả của phép nhân cần thực hiện.

Với quy trình ấy, tùy thuộc vào độ lớn của các số có 2 chữ số cần nhân, các cháu bé sẽ phải thực hiện nhiều hay ít thao tác (số thao tác tối thiểu là 5); một số thao tác, trong các thao tác ấy, các bé buộc phải thực hiện ở một khoảnh giấy riêng, mà không thực hiện ngay trên cái "bảng" được.

Trong khi đó, nếu nhân theo phương pháp được dạy ở nhà trường, các bé chỉ cần thực hiện 3 thao tác đơn giản, dễ nhớ, và làm ngay được tại chỗ.

Xét về phương diện toán học, phương pháp nhân trên đây cho kết quả đúng. Nhưng cái độc hại mà phương pháp nhân ấy mang lại cho các cháu bé là nó làm méo mó cảm nhận về toán học của các cháu ngay từ thuở ấu thơ.

Mặt khác không có cách gì để có thể giải thích cho các bé hiểu, vì sao sau khi thực hiện quy trình nói trên, ta lại thu được kết quả của phép nhân. Trong khi đó, hoàn toàn có thể giải thích để các cháu hiểu cách nhân trong sách giáo khoa là nhờ tính chất phân phối của phép nhân đối với phép cộng.

Tò mò, tôi tìm xem các video dạy học khác để xem sao thì thật bất ngờ và ngạc nhiên khi có cô giáo giải thích cho học sinh “Hỗn số là hỗn loạn về số” trong video bài dạy “Hỗn số” - Toán lớp 5,… và còn nhiều video dạy học khác nữa với nội dung sơ sài, sai kiến thức cơ bản.

Thật là phản giáo dục nếu học sinh học theo các video dạy học này vì vậy rất mong các bậc phụ huynh hãy kiểm soát, cân nhắc khi cho con học theo các video dạy học trôi nổi trên mạng. Phụ huynh nên cho các con học trên các trang mạng uy tín, các trang mạng của ngành giáo dục đã được thẩm định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn