MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghị định quy định rõ biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc. Ảnh minh họa: LDO.

Cảnh sát giao thông phải lập biên bản vi phạm trong 2 ngày

LƯƠNG HẠNH LDO | 31/12/2021 07:00
Đây là một điểm đáng chú ý tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. 

Theo đó, Nghị định quy định rõ biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 3 ngày làm việc.

Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 2 ngày làm việc.

Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Đồng thời Nghị định mới này cũng quy định việc xác định mức phạt tiền với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Luật xử lý vi phạm hành chính, các tình tiết giảm nhẹ gồm: Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

Các tình tiết tăng nặng gồm: Vi phạm hành chính có tổ chức; nhiều lần; tái phạm; xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn