MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cát tặc lộng hành moi móc sông Gâm

Nhóm PV LDO | 27/06/2023 09:43

Cao Bằng - Sông Gâm đoạn chảy qua địa bàn huyện Bảo Lâm đang trở nên đục ngầu vì loạt tàu hút cát moi móc ngày đêm.

Phản ánh tới Báo Lao Động, nhiều người dân xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) bày tỏ sự bức xúc xen lẫn khó hiểu khi dòng sông Gâm chảy qua địa phương thời gian qua xuất hiện nhan nhản những con tàu liên tục vươn vòi, vục xuống lòng sông ngày đêm moi móc cát.

Thời điểm phóng viên có mặt, khoảng 3 tàu hút cát đang án ngữ trên sông, màu trong xanh vốn có của dòng sông nay đã chuyển sang đục ngầu của bùn cát. Mỗi con tàu di chuyển tới đâu, nước nơi đó lại đục đen theo vì các vòi hút cát liên tục sục sạo dưới lòng sông.

Một con tàu của đang hút cát trên sông Gâm. Ảnh: Tân Văn.

Ông Lý Văn V. (65 tuổi, trú xã Lý Bôn) bức xúc nói: "Họ hút rất nhiều, trong thời gian rất lâu rồi. Không biết họ đã được cấp phép hay chưa nhưng cứ tự tung tự tác hút cát rồi chở ầm ầm đi bán khắp nơi".

Theo tìm hiểu, khu vực chủ yếu mà các tàu cát này xuất hiện là ven Quốc lộ 4C (tuyến đường kết nối Cao Bằng - Hà Giang), các nhóm người này thường hút cát dưới lòng sông rồi để ngay trên thuyền, khi có người mua, cát sẽ được bơm trực tiếp từ dưới thuyền lên thẳng thùng xe tải chở đi.

Điểm đến của những xe cát này có thể được bán ngay tại huyện Bảo Lâm, một số khác nhằm thẳng hướng Hà Giang tiêu thụ.

Một điểm bơm cát trái phép từ dưới lòng sông lên xe đi tiêu thụ được lập ra ngay bên đường QL4C. Ảnh: Tân Văn.

Việc làm tinh vi này giúp sức khá nhiều trong việc che đậy hoạt động hút, bơm và mua bán cát trái phép khỏi những ánh mắt quan sát thông thường. Bởi lẽ dọc bờ sông hầu như không phát sinh điểm tập kết cát nào, chỉ thấy trên sông một vài con thuyền đang chạy đi qua lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2023, huyện Bảo Lâm sẽ đầu tư xây dựng 138 công trình, dự án. Tuy nhiên, huyện không có mỏ đá, mỏ cát nào có giấy phép hoạt động.

Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ vật liệu cát, đá xây dựng Bảo Lâm chủ yếu mua từ thành phố Hà Giang. Do đó, giá vật liệu cát tăng cao, nguồn cung từ tỉnh Hà Giang cũng hạn chế, huyện Bảo Lâm thường xuyên lâm cảnh không có đủ vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng công trình theo kế hoạch...

Cát được hút lên thuyền, khi có khách hàng sẽ được bơm thẳng lên thùng xe tải chở đi tiêu thụ. Ảnh: Tân Văn.

Thông tin từ ông Mã Gia Hãnh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, trên phạm vi toàn huyện đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ hoạt động khai thác cát, sỏi nào dưới lòng sông Gâm là hợp pháp.

Tuy vậy do nhu cầu, địa phương đã có việc đề xuất gửi UBND tỉnh có cơ chế đặc thù đối với huyện trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường tại chỗ.

Mặt khác, đặt trong bối cảnh huyện Bảo Lâm đang thiếu nguồn vật liệu xây dựng trầm trọng, phải đi mua từ địa phương khác với giá thành cao, chi phí vận chuyển lớn thì ngay tại địa phương tài nguyên cát, sỏi đang bị một nhóm người ngày đêm sục sạo moi móc lên rồi chở thẳng đi bán mà không phải chịu bất cứ sự quản lý hay thuế phí nào từ các cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nông Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Lý Bôn xác nhận thông tin trên và cho biết: "Xã sẽ tiến hành kiểm tra rà soát ngay việc những tàu hút cát đang hoạt động trên khu vực sông Gâm".

This browser does not support the video element.

Cát tặc lộng hành, moi móc cát lòng sông Gâm rồi đem đi khắp nơi tiêu thụ.

Dòng sông Gâm (còn gọi là sông Gầm) là phụ lưu của sông Lô, bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khi chảy vào Việt Nam tại xã biên giới Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) thì được gọi là sông Gâm. Đoạn chảy qua hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) dài khoảng 55km. Dòng sống cũng là mạch sống của người Dao, H’Mông, Tày, Nùng... cư trú 2 bên bờ sông. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại sông Gâm đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi những con tàu của cát tặc ngày đêm moi móc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn