MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hình vẽ dù được tẩy xóa nhưng không thể biến mất hoàn toàn.

Cầu Ba Son vẫn nhem nhuốc dù được sơn sửa sau khi bị vẽ bậy

HỮU CHÁNH LDO | 18/08/2023 17:20

TPHCM - Việc tẩy xóa vẫn chưa thể giúp cầu Ba Son trở lại hiện trạng ban đầu.

Sau khi phát hiện cầu Ba Son (trước đây gọi là cầu Thủ Thiêm 2) bị vẽ bậy, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) đã tiến hành tìm hiểu, đưa ra phương án khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu cho công trình được coi là biểu tượng kiến trúc mới của thành phố.

Để xóa những hình vẽ này, nhân viên thuộc Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn đã dùng dung dịch chất tẩy lăn lên bề mặt hình vẽ bậy, dùng giấy nhám vải chà mạnh các vết sơn, sau đó lau lại bằng khăn vải.

Đoạn trụ cầu bị vẽ bẩn sau khi được tẩy xoá.

Theo ghi nhận của Lao Động trong ngày 18.8, phần lớn hình ảnh bị vẽ bậy tại cầu Ba Son đã được tẩy xóa.

Dù vậy, các dấu vết hình vẽ vẫn chưa thể biến mất hoàn toàn, nhiều đoạn trở nên nham nhở, nhem nhuốc vì vết sơn xịt lên bề mặt bêtông rất khó tẩy xóa.

Hình vẽ trước và sau khi được sơn sửa.

Bên cạnh đó, khi tẩy sơn trên bề mặt lan can bằng sắt, các vết sơn gốc của cầu Ba Son cũng bị đánh bay theo các hình vẽ bậy. Việc tẩy xóa các vết sơn được cho là rất mất thời gian và khó có thể giúp những chỗ bị vẽ bậy trở lại hiện trạng ban đầu.

Anh Phạm Thanh Bình (27 tuổi, ngụ Quận 1, TPHCM) cho hay, những nét vẽ bẩn ở cầu Ba Son dù đã được sơn sửa, tẩy xóa nhưng trông vẫn còn nhem nhuốc, mất thẩm mỹ và chưa thể phục hồi như nguyên bản.

“Các công trình biểu tượng của thành phố bị vẽ bậy, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử phạt răn đe. Cứ để chuyện này tiếp diễn, mỹ quan thành phố sẽ rất nhếch nhác" - anh Bình nói.

Trước đó, khoảng chục vị trí trên mố, trụ cầu tại hai nhánh qua Quận 1 xuất hiện nhiều hình vẽ được sơn màu đen và đỏ nguệch ngoạc, theo kiểu graffiti (vẽ tranh đường phố).

Tại vị trí cao nhất của cầu thang bộ có hình vẽ mặt người nhiều màu trông rất ma mị với kích thước rộng khoảng 50-60 cm. Tại vị trí lối cầu thang bộ lên xuống cầu cũng có hình vẽ với nhiều nét chữ nguệch ngoạc...

Nhiều khu vực vẫn còn nhem nhuốc dù nhân viên đã cố gắng khắc phục.

Hồi tháng 7.2022, nhiều vị trí trên dây văng, trụ cầu Ba Son cũng bị bôi bẩn, sơn hình thù nham nhở. Việc xóa các vết sơn vẽ bậy ở cầu này gặp nhiều khó khăn, có thời điểm dù đã dùng 14 loại dung môi vẫn chưa xóa hết.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tránh tái diễn các hành vi trên.

Cơ quan này cũng đã kiến nghị UBND TPHCM cho lắp đặt camera ở khu vực cầu Ba Son để thuận tiện cho việc giám sát công trình. Đồng thời, kiến nghị Quận 1 và TP Thủ Đức tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý tình trạng vẽ bậy ở cầu Ba Son.

Nhiều hình vẽ bậy xuất hiện ở khu vực trụ cầu.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá, việc xóa mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Điều quan trọng nhất làm sao tìm ra và xử lý nặng thủ phạm vẽ bậy để không còn chuyện như vậy nữa.

“Đã tới lúc phải mạnh tay hơn với loại hình "nghệ thuật đường phố" này, khắp nơi đâu đâu cũng bắt gặp. Nó thật vô nghĩa, dơ bẩn và xấu xí chứ không hề mang đến điều gì tích cực” - ông Đức nói.

Theo Nghị định 144, hành vi phun sơn, viết, vẽ lên tường, cột điện hoặc các công trình công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng. Người vẽ còn có thể bị cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn