MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Câu chuyện chó thả rông: Người dân mong xử lý mạnh tay hơn

Phong Linh LDO | 13/03/2023 17:51
Tại TP Cần Thơ, ở vùng quê hay trung tâm thành phố cũng rất dễ bắt gặp chó thả rông trên đường, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là người tham gia giao thông.

Tai nạn từ chó thả rông

35 tuổi nhưng anh Phan Văn Hữu (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vẫn không thể nào quên nỗi sợ khi xảy ra tai nạn từ chó thả rông diễn ra 10 năm trước.

Anh chia sẻ, lúc đó, tại khu vực Vườn mận (phường Long Tuyền), anh đang trên đường đi làm về buổi tối thì đột nhiên có 2 con chó từ đâu xông tới trước đầu xe, không phanh kịp nên anh ngã nhào xuống mé sông, xe đè lên người. May mắn có tiếng động lớn nên người dân giúp đỡ và anh qua khỏi tình huống nguy hiểm.

 Chó thả rông là ám ảnh của anh Hữu khi tham gia giao thông. Ảnh: Phong Linh

"Tôi vẫn không quên sự cố nhớ đời đó, cũng chính vì thế mà bây giờ tôi sợ mấy con chó ngoài đường. Biết là 10 năm rồi, đem câu chuyện đó ra kể thì cũng khập khiễng nhưng tôi thấy đến bây giờ người dân mình vẫn chưa khắc phục được tình trạng chó thả rông.

Tại Cần Thơ, nhất là buổi chiều, vẫn có nhiều chó thả rông không rọ mõm chạy trên đường ngay trung tâm thành phố. Nhiều lần tôi đi ngang khu vực công viên Lưu Hữu Phước, Bến Ninh Kiều thấy nguy hiểm vô cùng" - anh Hữu nói.

Cũng từng là người bị nạn từ chó thả rông, chị Nguyễn Thị Kiều Loan (25 tuổi, Cần Thơ) cho biết: "Tôi từng bị chó cắn một lần trên đường đi học về, bản thân mình cảm thấy rất hốt hoảng vì sức khỏe của bản thân bị đe dọa, phần cũng phàn nàn người dân việc nuôi chó không đảm bảo an toàn gây ảnh hưởng cho người khác.

Thời điểm hiện tại, tôi thấy báo, đài cũng thông tin nhiều trường hợp chó mèo thả rông cắn người gây bệnh dại hay thậm chí là ảnh hưởng việc điều khiển phương tiện giao thông. Tôi mong chính quyền địa phương sẽ xử lý mạnh tay hơn nữa." 

 Nhiều chó thả rông không rọ mõm tại khu vực quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

Bà Lâm Thị Bảy (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) nêu quan điểm: “Tôi thấy trước giờ người dân chủ yếu nuôi chó thả tự do, thấy con nào dữ thì mới cột lại.

Nhưng dạo gần đây thấy nhiều trường hợp bị chó cắn chết nên tôi cũng e ngại, thấy chó cũng nguy hiểm quá, giờ gặp chó mình cũng tránh xa cho chắc."

 Ở vùng quê hay trung tâm TP Cần Thơ cũng dễ bắt gặp chó thả rông ngoài đường. Ảnh: Phong Linh

Ý thức của người chăn nuôi

Liên quan đến vấn đề chó mèo thả rông có hành vi cắn người, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cho biết: Chó mèo thả rông mà xảy ra cắn người (trường hợp có liên quan đến xử phạt) nếu xác định được chủ nuôi thì trước tiên xử phạt vi phạm hành chính. 

"Riêng lĩnh vực thú y, đối với hành vi này sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng" - ông Vinh thông tin.

 Chó thả rông có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh bất cứ lúc nào. Ảnh: Phong Linh

Bên cạnh đó, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cho thấy trường hợp chủ nuôi để chó chạy rông là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn giao thông.

Ngoài ra, chủ nuôi chó còn phải chịu mức xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y. Mức phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Trường hợp mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì chủ nuôi chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

“1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.

 Người nuôi chó mèo cần nâng cao ý thức. Ảnh: Phong Linh

Song, theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất vẫn chính là ý thức của người nuôi. Trước hết, người nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương và thực hiện đưa chó mèo đi tiêm phòng dại. Ngoài ra, mỗi xã, phường cần thành lập và duy trì hiệu quả các đội bắt chó thả rông. Thực hiện tuyên truyền để không gây nguy hiểm với cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn