MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phương tiện rầm rầm qua cầu Mường Thanh khi cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Văn Thành Chương

Cầu Mường Thanh lịch sử xuống cấp nghiêm trọng, vẫn phải gồng mình cõng xe

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 20/05/2023 10:40
Từ ngày 19.5, các phương tiện lại tiếp tục rầm rầm qua cầu Mường Thanh khi cây cầu gần 70 tuổi này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 12.5, đại diện Ban quản lý di tích - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Điện Biên cho biết, Sở VHTTDL đã trình UBND tỉnh Điện Biên phương án cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để bảo vệ di tích theo Luật Di sản Văn hóa khi cây cầu gần 70 tuổi này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngay khi vừa sửa chữa xong, ngày 19.5, các thanh rào chắn đã được tháo dỡ, các phương tiện xe máy, xe đạp lại rầm rầm qua cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Đạo - Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết, phương án cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để bảo vệ di tích đã được UBND tỉnh đồng ý.

This browser does not support the video element.

Các phương tiện tiếp tục lưu thông qua cầu Mường Thanh.

"Tuy nhiên, do hiện nay, cầu Thanh Bình đang thi công chưa hoàn thiện nên vẫn phải tạo điều kiện cho người dân đi qua cầu Mường Thanh để giảm tải cho cầu A1 đến khi cầu Thanh Bình được thông xe" - ông Đạo cho hay.

Trước đó, từ ngày 13.3, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã khởi công xây dựng cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm có tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng.

Cây cầu này nằm trên tuyến đường giao thông chính nối Sân bay Điện Biên và khu vực phía Tây với trung tâm TP Điện Biên Phủ. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 để phục vụ các hoạt động của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Như vậy, mặc dù, cầu Mường Thanh đang biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng sau gần 70 năm hoạt động nhưng vẫn phải tiếp tục hoạt động ít nhất là khoảng 6 tháng nữa, đến khi cầu Thanh Bình hoàn thành.

Cầu Mường Thanh tiếp tục được khai thác làm cầu dân sinh đến khi Cầu Thanh Bình hoàn thành.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đạo - Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên, trong đợt sửa chữa vừa qua, cầu Mường Thanh chỉ được xử lý các vết han rỉ và sơn lại để bảo quản. Còn các những hạng mục xuống cấp, hư hỏng thì chưa được sửa chữa bởi cây cầu do quân đội Pháp xây dựng nên không tìm được bản thiết kế. 

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, từ ngày 22.4, cầu Mường Thanh đã được rào chắn, cấm các phương tiện lưu thông để tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng. Trong quá trình tiến hành sửa chữa, đơn vị thi công đã phát hiện cây cầu có dấu hiệu biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng.

Sau khi báo cáo Sở VHTTDL, Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên đã mời các sở, ngành, các đơn vị liên quan cùng kiểm tra, đánh giá hiện trạng cây cầu đã xác định tình trạng nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Hai bên thành cầu đã bị võng và vặn nghiêng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện qua cầu.

Sở VHTTDL đã trình UBND tỉnh Điện Biên phương án, sau khi sửa xong cầu Mường Thanh sẽ cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu để bảo vệ di tích theo Luật Di sản Văn hóa. Theo đó, sẽ cấm tất cả các loại phương tiện giao thông, chỉ dành cho người đi bộ.

Cầu Mường Thanh là 1 trong số hơn 40 điểm di tích thành phần của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây vốn là một câu cầu công binh nối các cứ điểm phía Đông với Sở chỉ huy trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hầm De Castries).

Năm 1953, quân đội Pháp đã cho xây dựng cầu Mường Thanh, bắc qua sông Nậm Rốm có chiều dài 40m, rộng 5m, hai bên thành cầu là những thanh sắt được kết cấu chịu lực, sàn cầu lát bằng gỗ, phía dưới là những thanh dầm được liên kết với nhau rất chắc chắn, đảm bảo tải trọng cho phép từ 8 - 15 tấn.

Ngày 7.5.1954, quân đội Việt Nam sau khi chiếm trọng cứ điểm A1 đã vượt qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở chỉ huy trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống tướng De Castries. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn