MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây trôm cổ được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2016. Ảnh: K.Q

Cây di sản cổ nhất tỉnh Long An đang được “giải cứu”

Kỳ Quan LDO | 13/03/2021 17:00
Thông tin từ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An ngày 13.3 cho biết, UBND phường Khánh Hậu TP.Tân An đã tổ chức cuộc họp với cơ quan chức năng, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An và người dân trong vùng để bàn cách bảo vệ cây trôm cổ thụ (Cây Di sản) có tuổi cao nhất tỉnh Long An.

Sau khi khảo sát hiện trường, thảo luận đánh giá tình trạng cây trôm, cuộc họp đã thống nhất cần có biện pháp bảo vệ cây trôm cổ quý hiếm.

Trước mắt, sẽ tạo quanh gốc cây trôm khoảng đất trống để bơm nước “giải khát” cho cây trong mùa khô hạn hiện nay. Đồng thời cắt tỉa những cành, nhánh đã chết khô do những lần bị sét đánh trước đây.

Cuộc họp cũng cho rằng nên làm cột thu lôi để bảo vệ cây trôm khỏi sét đánh. Tuy nhiên, do kinh phí của phường năm 2021 không có khoản nào dành cho việc này, nên phải chờ kinh phí năm 2022.

Cây trôm sắp tới sẽ được bơm nước tưới. Ảnh: K.Q

Như Lao Động đã thông tin, cây trôm mõ cổ thụ trước chùa Diêu Quang ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An được xem là cây có tuổi cao nhất tỉnh Long An, khoảng 350 năm tuổi.

Năm 2016, cây trôm mõ ở phường Khánh Hậu đã được công nhận Cây Di sản Việt nam.

Cây trôm này gắn liền với lịch sử khẩn hoang đất Nam bộ. Theo sử liệu của tỉnh Long An, vào năm 1731, quan Vệ úy Huỳnh Công Lương được Chúa Nguyễn cử vào đóng quân ở Giồng Cái Én và khai phá vùng này thành làng Khánh Hậu trù phú như ngày nay. Khi đó Giồng Cái Én còn là rừng rậm, trong đó có cây trôm mõ khoảng 50 năm tuổi.

Cây trôm hiện cao 25,5m, đường kính tàng cây 34,5m, chu vi thân 8m.

Những năm qua, cây trôm đã 2 lần bị sét đánh, mỗi lần như vậy làm 1 nhánh cây bị gãy chết. Do xung quanh cây trôm đã bêtông hóa toàn bộ, không thể bơm tưới nước cho cây, nên có hiện tượng cây bị thiếu nước vào mùa khô, không còn ra lá xanh mượt như trước đây.

Ông Nguyễn Huỳnh Triều, một người dân ở phường Khánh Hậu, người có tham dự cuộc họp nói trên, phát biểu: “Như vậy đã tạm ổn, trước mắt cây trôm sẽ được tưới nước để tránh bị chết khô, về lâu về dài sẽ được bảo vệ khỏi sét đánh. Cảm ơn chính quyền địa phương đã kịp thời “giải cứu” cây trôm quý!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn