MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ cây xanh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM gãy nhánh làm người đi đường thiệt mạng. Ảnh: Trần Văn Thông

Cây gãy đè chết người đi đường: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

NGUYỄN HỮU HUY LDO | 16/06/2020 09:30

Xung quanh vụ việc cây xanh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM gãy nhánh đè chết người đi đường hôm 13.6,  các luật sư cho rằng lý do bất khả kháng để né tránh trách nhiệm bồi thường là bất cập.

Chiều 13.6, cơn mưa lớn kèm dông đã làm cây xanh trước địa chỉ số 202 đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 rơi xuống đè trúng ông T.M.L (SN 1958, thường trú tại phường 15, quận 10) đang điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Trần Văn Thông

Tại hiện trường, cành cây ở độ cao gần 10 m gãy đổ xuống đường làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Nhân chứng cho biết chỗ gãy còn tươi không có dấu hiệu sâu bệnh, mục ruỗng.

Qua kiểm tra, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM cho biết đã cắt cành, tỉa cây xanh này cách thời điểm xảy ra sự cố không lâu. Vụ tai nạn liên quan đến cây xanh khiến dư luận không khỏi thắc mắc về việc ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc như thế này?

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360 (Đoàn Luật sư TPHCM)

Thông tin với PV Báo Lao động, luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360 (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo luật định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự hiện hành thì “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Do đó, thiệt hại tai nạn do cây xanh gãy, đổ… gây ra thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, chiếm hữu, đơn vị được giao quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Dù vậy thực tế không phải mọi trường hợp tai nạn liên quan đến cây xanh đều được bồi thường. Bởi lẽ theo Điều 156 và Điều 584 Bộ luật Dân sự hiện hành nếu các đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi công tác bảo vệ chăm sóc, biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đốn hạ cây, cành hư hỏng mục rỗng nhằm loại trừ các sự cố nhưng tai nạn vẫn xảy ra  bởi mưa, gió, bão làm cây xanh gãy, đổ, bật gốc… gây thiệt hại cho người đi đường thì đây được xem là sự kiện bất khả kháng vì vậy đơn vị quản lý cây xanh hoặc sẽ không phải bồi thường.

Nhìn nhận vấn đề, luật sư Nguyễn Tri Đức cũng cho rằng các vụ tai nạn do cây xanh gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Không thể bất cứ vụ tai nạn do cây xanh đổ gãy cứ mặc nhiên đều xem là trường hợp bất khả kháng.

Điều đáng nói hiện nay vẫn chưa có vụ tai nạn nào tương tự như trường hợp trên được tiến hành điều tra xử lý một cách thấu đáo. Vô hình chung điều này tạo ra tiêu cực về việc ỷ lại do cơ chế hoặc tắc trách là điều khó tránh khỏi.

Phần nhánh cây gãy, rơi xuống khiến một người chết. Ảnh: Chân Phúc

“Mặc dù theo luật định về nghĩa vụ bồi thường theo qui định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự hiện hành, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có qui định cụ thể về nguồn tài chính cho các đơn vị quản lý cây xanh sử dụng cho việc bồi thường (nếu có). Do đó mặc nhiên tạo ra tiền lệ mọi trường hợp cây gãy đổ là “bất khả kháng” để không chịu trách nhiệm là một điều vô cùng bất cập, không thể chấp nhận được.

Do đó các nhà làm luật cần kiện toàn cụ thể, qui định về nghĩa vụ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan cần nhìn nhận những thiếu sót trong việc quản lý chăm sóc kiểm tra cây xanh (nếu có) dẫn đến sự cố gây thiệt hại”- luật sư Nguyễn Tri Đức nhìn nhận.

Luật sư cho rằng cần có điều luật mạnh với biện pháp chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại cây xanh dẫn đến tình trạng gãy đổ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Bởi lâu nay mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm quyền quản lý nhà nước cần khẩn trương có chính sách, chế độ khắc phục bồi thường thiệt hại cho người dân một cách thiết thực kể cả việc hỗ trợ người dân trong cả trường hợp bất khả kháng (nếu có), qua đó thể hiện tính nhân đạo, văn minh là điều vô cùng cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn