MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình ông Hồ Văn Hồng thẫn thờ vì không thể xoay xở thêm tiền để chuộc con từ Campuchia về. Ảnh: Hưng Thơ.

Cha bán trâu, vay nợ để chuộc con bị lừa sang Campuchia, nhưng vô vọng

HƯNG THƠ LDO | 28/06/2022 20:17

Quảng Trị - Hai thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị) bị các đối tượng lừa đưa sang Campuchia. Để trở về, mỗi người buộc phải nộp một khoản tiền chuộc. Người thân đã phải bán trâu, đi vay mượn khắp bản làng rồi gửi tiền chuộc con, nhưng ngày về của 2 thanh niên vẫn mù mịt.

Cha bán trâu, cậu đi vay nóng để có tiền chuộc

Đã quá trưa, nhưng bữa cơm ở ngôi nhà sàn của gia đình ông Hồ Văn Ray (40 tuổi, trú tại thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vẫn chưa được dọn lên, nên mấy đứa trẻ cứ lang thang, vật vờ trước ngõ. Kể từ ngày đứa con đầu tên T. của ông Ray bị lừa sang làm việc ở Campuchia và liên lạc về nhà nói phải gửi tiền chuộc sang mới được thả về, mọi sinh hoạt trong gia đình ông Ray bị đảo lộn.

Anh Hồ Văn Rư (cậu của T.) ở sát nhà ông Ray cho biết, vợ chồng ông Ray có 7 người con, làm nông nên rất khó khăn. Khi học đến lớp 11, cháu T. nghỉ học, rồi vào Bình Dương làm thêm giúp gia đình. “Cháu mới vào, gửi tiền về cho mẹ được 2 lần, mỗi lần hơn 1 triệu đồng. Gia đình chưa kịp vui mừng, thì cháu nghe theo bạn đi kiếm việc làm khác, rồi không hiểu sao bị đưa sang Campuchia” – anh Hồ Văn Rư, cho hay.

Sau khi bán đi 2 con trâu để lấy tiền chuộc, gia đình cháu T. chỉ còn ngôi nhà sàn cũ nằm cheo leo trên vách đồi. Ảnh: Hưng Thơ.

Khi qua Campuchia, T. gọi về nhà bằng mạng xã hội, thông tin rằng muốn về nhà thì phải nộp 85 triệu đồng tiền chuộc, rồi số tiền tăng lên 100 triệu đồng, hạn đến ngày 11.6. Gia đình ông Ray không có tiền, nhưng trước lời đe dọa nếu không nộp tiền T. sẽ bị bán sang nơi khác, gia đình ông đành bán tài sản duy nhất là 2 con trâu với giá 35 triệu đồng.

Thương cháu, thương ông Ray, 2 người cậu ruột của T. đi vay khắp nơi được thêm 25 triệu đồng nữa. Bà con ở bản người cho mượn, người góp vài triệu đồng, đủ 90 triệu đồng thì ngày 11.6, ông Ray nhờ đứa cháu gửi sang Campuchia bằng số tài khoản mà T. gửi về.

Tiền gửi đi, nhưng vẫn chưa đủ. T. được thay đổi địa điểm làm việc, và được đưa đến gần biên giới hơn. Và các đối tượng ra điều kiện, gia đình T. phải nộp thêm 30 triệu đồng nữa thì mới thả về, khiến gia đình ông Ray choáng váng, không thể xoay xở đâu được nữa.

Chờ đợi sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng

Ở thôn Ly Tôn, không riêng gia đình ông Ray vướng cảnh nợ nần và ảm đạm nói trên, mà gia đình ông Hồ Văn Hồng (40 tuổi) cũng tương tự. Con trai ông Hồng là cháu H. cùng vào làm công nhân ở Bình Dương, và cũng bị lừa sang Campuchia cùng lần tới T. Và cũng tương tự gia đình ông Ray, ông Hồng đã đi vay mượn khắp nơi để có 90 triệu đồng gửi sang chuộc con.

Theo đơn trình báo của 2 gia đình gửi Công an huyện Đakrông, ngày 10.3.2022, T. và H. vào Bình Dương làm việc tại 1 siêu thị. Đến ngày 22.5, cả 2 theo lời dụ dỗ của 1 tài khoản zalo có tên “Phan Anh” vào làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh với mức lương cao. Khi lên xe được chỉ định để đến nơi làm việc, thì cả 2 không biết gì nữa, rồi được chuyển đến Campuchia.

Cậu của T. (giữa ảnh) cung cấp các hình ảnh, video do T. quay lại ở nơi đang bị giữ tại Campuchia cho cán bộ công an. Ảnh: Hưng Thơ.

Đến ngày 26.5, T. và H. gọi điện thoại về, thông báo đã bị lừa sang Campuchia làm việc ở tại khu Chinatown building thuộc tỉnh Sihanoukville của Campuchia. Cả 2 được hướng dẫn sử dụng máy tính để lừa đảo, song không làm được, nên bị người giám sát đánh đập và gợi ý nếu muốn về thì phải bảo gia đình nộp tiền chuộc 85 triệu đồng mỗi người. Đến ngày 10.6, số tiền chuộc tăng lên 100 triệu đồng.

“Mượn khắp nơi được 90 triệu đồng để gửi sang chuộc con về, nhưng vẫn chưa đủ. Bây giờ gia đình tôi không thể kiếm đâu ra 30 triệu đồng nữa, nên chỉ biết trong chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, hỗ trợ cho gia đình chúng tôi” – ông Hồ Văn Hồng, nói.

Thượng tá Trần Vĩnh Phong – Phó trưởng Công an huyện Đakrông cho hay, sau khi tiếp nhận nguồn tin báo về tội phạm, do không thuộc thẩm quyền nên Công an huyện Đakrông đã báo cáo nhanh cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, Công an huyện Đakrông đã chuyển tin báo cho Công an tỉnh Bình Dương để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

“Vụ việc xảy ra ngoài địa bàn, nên chúng tôi phải chuyển tin báo theo đúng quy định. Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Đakrông đã hướng dẫn cho công an các xã tổ chức tuyên truyền cho người dân để phòng tránh” – thượng tá Trần Vĩnh Phong, cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn