MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố tại TPHCM. Ảnh: Anh Tú.

Chấm dứt nạn “phun”, “tạt”, “vứt” được không?

Thanh Ny LDO | 24/08/2020 15:35
Đã bao giờ bạn đang chạy xe trên đường và khổ sở vì sự thiếu ý thức của người khác khi vô tư, thậm chí cố tình phun nước bọt, tạt nước bẩn và vứt rác xoành xoạch chưa?

Mới hôm qua thôi, chân tôi vừa hứng nguyên thau nước rửa bát từ một cửa hàng ăn bên đường. Trời mưa lây rây, ống quần ướt nhão nhoẹt, lòng dặn lòng nhẫn nhịn và ấm ức quay về nhà thay áo quần.

Bạn tôi kể hôm trước đang chạy xe chầm chậm trên đường bỗng gò má hứng trọn bãi nước bọt từ chiếc xe phóng vụt qua. Bạn ám ảnh mãi cái cảm giác lờm lợm suốt mấy hôm. Chắc chắn không chỉ tôi và bạn tôi khổ sở vì mấy vụ “tai bay vạ gió” như thế. Không ít người trong chúng ta từng “dính” nước bẩn và vô số thứ từ chính người dưng.

Có khi bị nhắc nhở và phàn nàn, “thủ phạm” tỏ vẻ biết lỗi và nhận lỗi. Nhưng trong nhiều trường hợp, người phạm lỗi tỏ ra bất cần, quát tháo ngược và thậm chí là mắng chửi, nạt nộ và ra tay đánh người dù lỗi sai của họ rõ rành rành.

Xuất phát từ một hành động vô ý thức tưởng như cỏn con ấy, biết bao vụ ẩu đả, thậm chí giết người đã xảy ra. Hành vi sai trái của một vài con người thiếu ý thức đang khiến vô số người khổ lây.

Ai có thể kiềm chế cơn giận khi nước bọt bẩn phun thẳng mặt? Ai có thể không bức tức khi hứng trọn thau nước bẩn vào chân? Ai có thể bình tâm khi vỏ hộp sữa, chai nước rỗng, cái khẩu trang dùng xong vứt toẹt trước đầu xe?  Và không lẽ chúng ta bó tay trước nạn “phun”, “tạt”, “vứt”… ấy?

Trường học nào cũng dạy trẻ mầm non đến đại học phải biết bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh từ những việc nhỏ nhặt như bỏ rác vào thùng, không hái hoa bẻ cảnh, vệ sinh đúng nơi đúng chỗ… Lẽ tất nhiên là những lý thuyết ở học đường nếu được bổ khuyết thêm bài học thực tế trong gia đình và ngoài xã hội thì không còn gì phải bàn cãi.

Chỉ tiếc là một bộ phận khá lớn con trẻ học điều hay ở trường lại vấp phải thực tiễn trần trụi, tréo ngoe bên ngoài nhà trường. Con uống xong hộp sữa, bố vứt toẹt ngay xuống đường. Con ăn xong gói bim bim, mẹ ném vội xuống bãi cỏ công viên. Thùng rác tại nhà đựng hỗn tạp nhiều loại rác thải, bố mẹ thản nhiên xem việc phân loại rác là nhiệm vụ của nhân viên vệ sinh.

Đó là còn chưa kể vô số hình ảnh xấu xí từ bố mẹ vô tình lọt vào mắt trẻ, nào là quét rác sang nhà hàng xóm, nào ném túi rác chõng chơ ngoài thùng rác công cộng, nào là kéo tay con giẫm lên bãi cỏ xanh mướt để chụp cho được khung hình ưng ý, nào là vừa chạy xe vừa khạt nhổ mặc cho người đi sau phanh kin kít né tránh…

Những bài học lý thuyết bỗng chông chênh vô cùng khi vấp phải thực tế trái ngược một cách xô bồ, chan chát như thế. Liệu con trẻ có thật sự giữ trọn vẹn ý thức và rèn đến cùng nét nhân cách vì cuộc sống xanh - sạch - đẹp?.

Trong khi mong chờ chế tài xử lý từ cơ quan chức năng, dường như chúng ta chỉ có thể chờ mong sự thay đổi ý thức của từng người nhằm hướng tới cuộc sống văn minh đô thị. Nhất là khi mùa dịch bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn đang rình rập nơi nơi, xin chấm dứt triệt để nạn “phun”, “tạt”, “vứt” được không?

Yêu cầu bạn như thế có quá tay và quá đáng lắm không? Xin thưa là không! Bởi chính bạn cũng chẳng muốn má dính nước bọt, chân dính nước bẩn, chắc chắn! Và bạn lại càng không muốn con cái mình lớn lên cùng với những hành xử xuề xòa đến mức bạ đâu phun nấy, hở tí là vứt toẹt rác phải không?!.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn