MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở cũ của Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình vẫn còn công năng sử dụng và đã 2 lần đưa ra đấu giá nhưng bất thành. Ảnh: Diệu Anh

Chậm xử lý, loạt trụ sở công tại Ninh Bình bỏ hoang gây lãng phí

DIỆU ANH LDO | 26/07/2023 06:05

Ninh Bình - Theo thống kê của Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 121 trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế... bỏ hoang sau khi sắp xếp lại. Việc xử lý đối với các cơ sở này đang gặp một số khó khăn vướng mắc, dẫn tiến độ xử lý bị chậm, gây lãng phí.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện nhiều trụ sở công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tọa lạc ở những vị trí đắc địa, thậm chí có những trụ sở vẫn còn công năng sử dụng nhưng bỏ hoang nhiều năm.

Trụ sở cũ của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình bỏ hoang, khiến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Diệu Anh

Nhiều trụ sở vẫn còn nguyên các trang thiết bị, máy móc, hệ thống điện nước như: trụ sở cũ của Bệnh viện Sản - Nhi, trụ sở cũ của Sở Tài nguyên và Môi trường... Tuy nhiên, sau khi các đơn vị này được sáp nhập hay chuyển trụ sở mới thì các trụ sở cũ bị bỏ hoang, các hạng mục nhà cửa, trang thiết bị dần xuống cấp và hư hỏng.

Để sử dụng tài sản công có hiệu quả, tránh lãng phí, vào ngày 5.4.2023, ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ký văn bản số 224/UBND-VP5 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 74/2023/QH ngày 15.11.2022 của Quốc hội.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát để xác định chính xác và đầy đủ số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp, xử lý.

Ngày 25.7, trao đổi với PV Lao Động đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng số 2.786 cơ sở, nhà đất thuộc đối tượng, phạm vi phải sắp xếp lại và xử lý theo quy định. Trong đó, có 2.505 cơ sở đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại và xử lý theo quy định.

"Toàn tỉnh Ninh Bình hiện còn 121 cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế... đang bỏ hoang vì chưa có phương án xử lý, trong đó cấp tỉnh có 5 cơ sở và cấp huyện, xã là 117 cơ sở" - đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình cho hay.

Theo vị đại diện này, việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất sau khi sáp nhập hoặc chuyển trụ sở mới được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 167/NĐ-CP ngày 31.12.2017 và Nghị định 67/NĐ-CP ngày 15.7.2021 của Chính phủ.

Trụ sở cũ của Trung tâm Da liễu tỉnh Ninh Bình bỏ hoang nhiều năm sau khi Trung tâm này được sáp nhập về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Hiện nay việc xử lý đối với các cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sắp xếp lại đang gặp một số khó khăn, dẫn đến việc xử lý các cơ sở này đang bị chậm, gây lãng phí.

Cụ thể đối với những cơ sở đưa ra để đấu giá tài sản thì phải xem xét xem có phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không, những cơ sở chuyển giao lại cho đơn vị khác phải xem xét đánh giá về công năng sử dụng có phù hợp không... đấy là chưa kể có những cơ sở của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, việc xử lý, phê duyệt phương án phải do cơ quan Trung ương phê duyệt.

"Trong thời gian tới, Sở Tài chính sẽ khẩn trương rà soát theo số liệu báo cáo của các cơ quan, đơn vị và nghiên cứu, tổng hợp lại để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét phê duyệt phương án sắp xếp lại và xử lý cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Cơ bản sẽ hoàn thiện trong năm 2023 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính" - đại diện lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn