MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh thu của Netflix tại Việt Nam được cho là hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng cũng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế. Ảnh: Thế Lâm.

Chặn dòng tiền thanh toán cho dịch vụ xuyên biên giới để thu thuế

Thế Lâm LDO | 05/09/2020 14:10
Từ Netflix đến Google, Facebook, các “ông lớn” dịch vụ xuyên biên giới này có doanh thu tại Việt Nam hàng trăm triệu USD mỗi năm nhưng không đóng thuế đầy đủ.

Hay nói đúng hơn là do chưa thực thi các biện pháp khả thi để kiểm soát dòng tiền thanh toán cho các “ông lớn” công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này, qua đó có thể buộc họ phải đóng thuế theo đúng luật pháp Việt Nam.

Tuy nhiên trước hết cần làm rõ rằng doanh thu của các dịch vụ xuyên biên giới như của Facebook, Google, Netflix… chảy vào túi họ theo nhiều kênh khác nhau.

Kênh thứ nhất là qua các đại lí quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam. Với dòng tiền này, các đại lí quảng cáo phải thay mặt Facebook và Google đóng khoản thuế nhà thầu mức 10% doanh thu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện kênh mua qua đại lí chiếm 45% số hợp đồng quảng cáo của Google và 30% hợp đồng quảng cáo của Facebook tại Việt Nam.

Kênh thứ hai là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tự mua quảng cáo trực tiếp từ Facebook và Google, được Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chiếm khoảng 55% số hợp đồng quảng cáo của Google và 70% số hợp đồng quảng cáo của Facebook tại Việt Nam.

Có nghĩa là kênh gây ra thất thu thuế (kênh thứ hai) chiếm tỉ trọng lớn hơn nhiều so với kênh có thực hiện nghĩa vụ thuế (kênh thứ nhất).

Kênh thứ ba, cũng là do người dùng cá nhân, tổ chức mua dịch vụ trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ, nhưng ở đây là dịch vụ nội dung được bán từ Netflix, gồm phim trực tuyến, các chương trình giải trí trực tuyến. Nguồn thu là cước thuê bao. Từ vài năm trước, số thuê bao của Netflix tại Việt Nam theo ước tính đã lên tới con số hơn 300.000. Cước thuê bao được Netflix thu theo 3 mức: 180.000 đồng/tháng – 220.000 đồng/tháng và 260.000 đồng/tháng. Với lượng thuê bao trên, ước tính doanh thu mỗi năm của Netflix tại Việt Nam lên đến hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên, cả Netflix, Facebook, Google đều chưa lập công ty con kinh doanh tại Việt Nam cho nên chưa tuân thủ pháp luật thuế. Việc người dùng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp từ các “ông lớn” trên hầu hết thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế, chính vì thế lâu nay cơ quan thuế của Việt Nam cũng chưa thể nắm được.

Một biện pháp được phía thuế đề xuất nhằm chống thất thu thuế là quản lí dòng tiền thanh toán cho các dịch vụ xuyên biên giới ở các kênh thanh toán thứ hai và thứ ba (qua thẻ tín dụng quốc tế). Theo đó, các ngân hàng được giao trách nhiệm kiểm soát dòng tiền thanh toán cho các dịch vụ xuyên biên giới qua thẻ tín dụng, và chặn những khoản thanh toán chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần phân định rõ là, việc kiểm soát dòng tiền thanh toán và các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng cho Netflix, Google, Facebook… là nhằm chống thất thu khoản thuế nhà thầu 10% đáng ra các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên phải nộp, chứ không phải chặn là để thu thêm 10% từ người dùng. Bởi tất cả các chi phí đã được tính vào giá dịch vụ mà người dùng phải trả dù mua dịch vụ quảng cáo hay dịch vụ nội dung qua đại lí hay trực tiếp từ Google, Facebook, Netflix… Để từ đó, buộc những Google, Facebook, Netflix phải đóng thuế nếu không muốn doanh thu của mình bị tổn thất do khách hàng bị chặn các khoản thanh toán.

Đây là một biện pháp hoàn toàn khả thi, nhưng cần phân định rõ đối tượng phải thu, bị thu nhằm chống thất thu thuế chính là các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chứ không phải khách hàng, người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn