MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn chanh leo của nông dân bị chặt hại trên Gia Lai tháng 3.2019. Ảnh: Đ.V

Chanh leo muốn "đi" Châu Âu, trước mắt phải trụ vững được trên giàn

Thanh Hải LDO | 17/09/2020 10:54

Lô hàng 100 tấn chanh leo cô đặc đầu tiên của Việt Nam vừa được làm lễ xuất đi Châu Âu tại Gia Lai hôm 16.9 là thông tin vui cho cả ngành nông nghiệp. Nhưng, trên những mảnh rẫy quê nhà vẫn còn những vướng bận lạc hậu, ấu trĩ, cần phải sớm được dẹp bỏ...

Chiều 16.9, 100 tấn chanh leo cô đặc tại tỉnh Gia Lai đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Với việc xuất khẩu theo Hiệp định thương mại EVFTA, lô hàng 100 tấn chanh leo cô đặc của tỉnh Gia Lai tới EU sẽ được miễn hầu hết các loại thuế.

Thông tin này thu hút được nhiều sự quan tâm, bởi các sản phẩm như mủ cao su, cà phê hay hồ tiêu... của Tây Nguyên là những nông sản thế mạnh, truyền thống, từ lâu đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường xuất khẩu ngoài lúa, thì chanh leo là loại nông sản mới.

Được biết, Việt Nam đang thuộc danh sách 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới. Trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%. Chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ...

Tuy vậy, những thông tin về việc gieo trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, sơ chế... cho đến thu mua, xuất khẩu quả chanh leo ít phổ biến hơn các loại nông sản kia. Trong khi loại cây trái này dễ trồng, phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu ở Việt Nam. Vì vậy, thông tin vui về việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu EU này đã tạo sự quan tâm của cả những người làm nông nghiệp lẫn các nhà đầu tư.

Mới năm ngoái, một vườn chanh leo rộng 2 héc ta của nông dân phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai đã bị chặt phá hoàn toàn, thiệt hại lên đến tiền tỷ...

Lúc đó chủ vườn cho biết, ngoài tiền do Công ty Nafoods Tây Nguyên đầu tư ban đầu cho giống và phân bón khoảng 500 triệu đồng, họ phải bỏ nhiều tiền thuê và mua đất, tận dụng sức lao động của người nhà... Hầu hết vốn liếng phải vay mượn khắp nơi.

Giá thu mua chanh dây đi EU tối thiểu là 30.000 đồng/kg, xuất sang Trung Quốc tối thiểu 10.000 đồng/kg... thì thiệt hại do vụ chặt phá này đối với 2 ha chanh leo gần 1 tỉ đồng.

Điều đáng buồn là thực trạng tương tự này không phải hiếm ở Tây Nguyên. Nhiều vườn cây trái của nông dân thường bị phá hoại bởi những nguyên nhân mâu thuẫn, cạnh tranh, thù vặt... rất ấu trĩ, lạc hậu. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, các phương thức sản xuất, trồng trọt, bảo quản và chế biến hiện đại, an toàn để giúp nông dân có được các sản phẩm đảm bảo các tiêu chí chất lượng vào thị trường EU, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cũng cần giải quyết dứt điểm các "rào cản" không đáng như kể trên.

Muốn có sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn thì trước mắt ý thức người dân phải được nâng cao, tự giác. Đặc biệt ý thức trong việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đúng quy trình trong chăm bón, bảo quản nông sản, bảo vệ đất đai. Phải ý thức trong việc góp phần tạo ra sản phẩm tốt, có thương hiệu quốc gia và chiếm lĩnh thị trường khó tính nhất thế giới. Xem đó là niềm tự hào của nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn