MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tắc nghẽn giao thông trên QL1A trước cửa hầm Phước Tượng - TT-Huế. Ảnh: AT

Chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ liên tiếp bị vô hiệu: Thiếu uy hay chế tài?

Thanh Hải LDO | 23/03/2022 17:42

Có ít nhất 5 văn bản như "tối hậu thư" của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi đến UBND TP.Kon Tum, yêu cầu không xây dựng trái phép, tháo gỡ các cổng chào trên đường Hồ Chí Minh đã không có hiệu lực. Nay, văn bản của Tổng cục Đường bộ yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả giảm giá vé thu phí BOT khi dân phải đi qua 2 đèo cũ Phú Gia, Phước Tượng (TT-Huế) trong thời gian sửa chữa hầm, cũng bị bất tuân...

Như Lao Động đã liên tiếp thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, khai thác BOT - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả có phương án trừ tiền thu phí BOT đối với các phương tiện không lưu thông qua hầm Phước Tượng và Phú Gia trong thời gian sửa chữa từ 19.3. Nhưng đến nay, các phương tiện qua 2 đèo cũ này vẫn không được giảm phí BOT.

Trước đó, từ ngày 16.3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tiến hành sửa chữa hầm Phước Tượng, Phú Gia, trên QL1A - đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thời gian sửa chữa, giao thông trên QL1A được phân luồng xe đi vòng lên 2 đường đèo cũ, nhưng không được giảm phí đường bộ.

Sau khi dư luận phản ứng gay gắt, báo chí lên tiếng về những bất hợp lý này, ngày 19.3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo nhà đầu tư, đơn vị vận hành khai thác 2 hầm đường  bộ Phú Gia và Phước Tượng phải giảm phí đường bộ tại trạm BOT Bắc Hải Vân.

Tuy vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vẫn không thực hiện. Thay vào đó, doanh nghiệp này "đối phó" bằng cách điều tiết phân luồng từng chiều để các phương tiện lưu thông trên QL1A di chuyển qua hầm chỉ một làn, nên gây ùn ứ nghiêm trọng trên tuyến huyết mạch Bắc Nam.

Điều đáng nói là Tổng cục Đường bộ lại không có động thái tiếp theo, hoặc chế tài thật sự mạnh để buộc doanh nghiệp phải chấp hành mệnh lệnh hành chính của mình.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra văn bản hành chính theo kiểu "đánh trống bỏ dùi". Trước Tết nguyên đán 2022, Tổng cục này nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu TP.Kon Tum tháo dỡ 5 cổng chào xây trái phép trên đường Hồ Chí Minh, nhưng đều không được chấp hành. Đến nay các cổng chào trên đã đi vào hoạt động.

UBND TP.Kon Tum không những không chấp hành yêu cầu của Tổng cục Đường bộ, mà thậm chí còn giải ngân, thanh quyết toán cho công trình xây trái phép này.

Kon Tum trả lời, làm cổng chào để thắp sáng trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Kế hoạch này đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Tổng Cục Đường bộ Việt Nam lại "xuống nước", ra văn bản đề nghị TP.Kon Tum không được quảng cáo trên các cổng chào. Với lý do, nếu trang trí bằng đèn, tần suất nhấp nháy, đổi màu ánh sáng sẽ làm phân tán và ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh...

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp có những văn bản hành chính của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành, nhưng không được các đơn vị cơ sở chấp hành.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước. Tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật. Trong đó có chức năng quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cao tốc...

Chức năng, quyền hạn không thiếu, nhưng vì sao khi thực thi công vụ thì Tổng cục Đường bộ lại "bất lực"? Những yêu cầu mang tính hành chính nhà nước của Tổng cục ban hành liên tiếp bị vô hiệu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam "chịu thua" là do thiếu chế tài hay thiếu uy lực?... Cần phải có lý giải cho thực trạng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn