MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Giáp Bằng Việt (bên phải) và ông Mạc Duy Khương trong buổi làm việc ngày 10.5. Ảnh: Quế Chi

Chỉ huy trưởng phủ nhận xốc nách, lăng mạ, đuổi việc nữ nhân viên bảo vệ

Quế Chi LDO | 15/05/2024 17:29

Nữ nhân viên bảo vệ tố bị một chỉ huy trưởng tại một mục tiêu bảo vệ của Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ VLS Hà Nội xốc nách, lăng mạ, tuyên bố đuổi việc. Tuy nhiên, chỉ huy trưởng phủ nhận tất cả các lời tố này.

Phủ nhận việc nói đuổi việc

Báo Lao Động nhận được phản ánh của bà Vũ Thị Nghĩa – nhân viên bảo vệ Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ VLS Hà Nội.

Theo phản ánh của bà Nghĩa, bà được phân công làm việc tại sảnh A8 tại một khu chung cư thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Bà Nghĩa kể lại, vào lúc hơn 11h ngày 1.5, trong nhóm chat, một nhân viên có gửi hình ảnh một chiếc xe máy đỗ không đúng chỗ. Khi nhận được tin nhắn, bà Nghĩa kiểm tra luôn những vị trí mà bà được giao nhưng không thấy chiếc xe máy nào đỗ sai vị trí tại nơi bà quản lý.

Sau đó, theo phản ánh của bà, vào lúc 11h30 ngày 1.5.2024, ông Mạc Duy Khương - Chỉ huy trưởng tại mục tiêu này - đã xông vào chỗ bà làm việc, làm ầm ĩ, chửi bà về việc trong thời gian làm việc tại sao không quản lý xe trên.

“Tôi trả lời: “Chị kiểm tra xung quanh khu vực được giao mà có thấy xe nào đâu”. Sau khi tôi nói câu này, anh Khương xông đến chỗ tôi để đòi tai nghe bộ đàm. Tôi đã trả lại bộ đàm tai nghe luôn. Anh Khương lúc đó càng hung dữ. Tôi sợ quá nên đã đi giật lùi nhanh ra lối sảnh để tránh. Anh đuổi theo tôi, bắt tôi phải cởi quần áo bảo vệ ra để trả ngay lúc đó tại sảnh” – bà Nghĩa tường thuật.

Theo lời trường trình của bà Nghĩa, ông Khương đã động vào người, xốc nách bà và nói: “Tôi đuổi việc chị, yêu cầu chị ra khỏi sảnh”.

Ngày 10.5, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi làm việc với ông Mạc Duy Khương và đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ VLS Hà Nội là ông Giáp Bằng Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ.

Tại buổi làm việc, ông Mạc Duy Khương phủ nhận đã xốc nách, có lời lẽ lăng mạ và đòi đuổi việc bà Nghĩa. Ông Khương chỉ thừa nhận, sau khi xảy ra mâu thuẫn, đã yêu cầu bà Nghĩa rời khỏi dự án và hôm sau lên công ty để làm việc.

Ông Giáp Bằng Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ - cho biết, đến thời điểm này, công ty chưa có phát ngôn xử lý kỷ luật hay đuổi việc đối với bà Nghĩa.

Ông Việt cho biết công ty đánh giá sự việc này “không quá nghiêm trọng”; đồng thời giải thích sự chậm trễ trong giải quyết vụ việc này do tính chất công việc thường xuyên phải đến các mục tiêu bảo vệ.

Đại diện công ty cho biết, hiện công ty có ý định điều động bà Nghĩa sang mục tiêu khác theo đề xuất của bà. Nếu bà Nghĩa có nguyện vọng không tiếp tục làm thì sẽ thanh lý hợp đồng đối với bà.

Ngày 15.5, công ty và bà Nghĩa đã ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Bà Nghĩa cho biết, công ty trả lương đầy đủ cho bà những ngày làm việc và hỗ trợ cho bà 4 triệu đồng. Đại diện công ty đã xác nhận thông tin này.

Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Nghĩa ký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ VLS Hà Nội có thời hạn 12 tháng, từ ngày 29.3.2024 đến ngày 29.3.2025. Tại hợp đồng lao động có ghi rõ: Nhân viên sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, công ty không đóng BHXH cho bà Nghĩa.

Lý giải điều này, ông Việt cho rằng một trong những nguyên nhân là phụ thuộc vào nhu cầu của nhân viên, không phải ai cũng có nhu cầu đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, việc không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động có hợp đồng lao động 1 năm là vi phạm pháp luật.

Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo quy định này, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, nếu khi các bên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong trường hợp của bà Nghĩa, công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn