MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) là cơ sở được giao tuyển sinh với số lượng lớn. Ảnh: X.H

Chi ngân sách cho việc đã rồi!

Xuân Hùng LDO | 16/10/2023 19:30

Ngày 9.10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định tiếp tục chi hơn 104 tỉ đồng bổ sung kinh phí thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ. Thanh Hóa còn phải tiếp tục dùng ngân sách để chi hàng trăm tỉ nữa cho việc này. Đáng nói, việc chi này là chuyện đã rồi, hoàn toàn bị động, lúng túng, tạo gánh nặng lên ngân sách cấp tỉnh.

104,4 tỉ đồng nói trên chưa phải con số cuối cùng. Tỉnh Thanh Hóa còn phải ban hành thêm nhiều quyết định tương tự nữa. Bởi vì, từ học kỳ I năm 2021, khi bắt đầu thực hiện Nghị định 116 đến học kỳ I/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo cho 2 trường địa phương là Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa – Thể thao du lịch với số sinh viên đã tuyển sinh là hơn 3.000.

Với kinh phí phải chi trả theo quy định cho mỗi sinh viên khoảng 50 triệu đồng/năm, bao gồm tiền sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng (cho 10 tháng) và tiền học phí nhân với 4 năm học, số kinh phí cần có để thực hiện lên đến trên 600 tỉ đồng.

Trong các văn bản gửi bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa nhiều lần khẳng định, số tiền trên là gánh nặng với ngân sách tỉnh.

Việc lấy dự phòng ngân sách cấp tỉnh để chi theo quyết định trên là việc chi đã rồi. Bởi thực tế, ngay từ đầu, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nguồn thực hiện là từ ngân sách Trung ương nên cơ sở đào tạo đề xuất thế nào thì phê duyệt, giao nhiệm vụ thế đó.

Mãi đến học kỳ I năm 2023, khi việc đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện Nghị định từ Trung ương có khả năng bất khả thi thì UBND tỉnh Thanh Hóa mới giật mình, hạ chỉ tiêu đột ngột từ 1.530 xuống 135. Việc hạ chỉ tiêu đột ngột này hoàn toàn là sự sợ hãi về gánh nặng kinh phí chứ không đứng trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương.

Việc ký giao nhiệm vụ đào tạo mà chưa rõ nguồn tiền, chưa có khảo sát khoa học về nhu cầu và khả năng có thể bố trí việc làm cho sinh viên khi ra trường đã và sẽ đem đến nhiều hệ lụy.

Thứ nhất là gánh nặng ngân sách và lãng phí nguồn lực. Việc đào tạo giáo viên là cần thiết nhưng hiện nay, con em người Thanh Hóa đang học các trường có ngành sư phạm ở Hà Nội, Vinh, Huế, Tây Bắc… là rất nhiều, nhiều em muốn về làm giáo viên ở tỉnh nhà cũng khó. Vì vậy, không cần thiết phải bỏ ra hơn 600 tỉ đồng để thực hiện việc này.

Hơn 600 tỉ đồng này do không dự liệu được ngay từ đầu nên hiện đang phải lấy nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để chi. Việc này là hoàn toàn bất thường.

Cần nhớ, ngân sách dự phòng chỉ tập trung chi cho những việc cấp bách như thiên tai, địch họa chứ không phải chi bù đắp cho cái lúng túng của cơ quan quản lý.

Hệ lụy tiếp theo là, sau khi số sinh viên này tốt nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa có bố trí được việc làm cho các em hay không? Có cơ chế tuyển dụng đặc biệt nào cho các sinh viên này? Nếu sau 2 năm tốt nghiệp, các em không được vào làm việc trong ngành giáo dục thì ai là người phải bồi hoàn chi phí hàng trăm tỉ nói trên?

Ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, người ký các quyết định giao nhiệm vụ và lãnh đạo Sở GDĐT đều không trả lời được câu hỏi này của phóng viên Lao Động.

Hơn nữa, các cơ sở đào tạo đã đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để đào tạo hàng nghìn sinh viên/năm bỗng bị rút xuống hơn 130 sẽ phải xoay xở ra sao? Lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất ai chịu trách nhiệm?

Sở GDĐT Thanh Hóa và cả UBND tỉnh Thanh Hóa cần giải trình rõ việc tham mưu, ra quyết định tuyển sinh theo Nghị định 116 nói trên trước HĐND tỉnh và trước nhân dân. Ngân sách là tiền đóng góp từ mồ hôi, công sức của dân. Kỷ luật chi ngân sách có cho phép cách làm tùy tiện, ngẫu hứng như vậy không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn