MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đăng Quân – Chủ tịch Công đoàn Công ty Sông Đà 9 (bên phải) và ông Trần Viết Liêm – Trưởng ban Tổ chức Chi nhánh Sông Đà 908 - trao đổi với phóng viên. Ảnh: Bảo Hân

Chi nhánh Sông Đà 908 giải trình việc chậm lương của người lao động

Bảo Hân LDO | 30/09/2020 15:03
Báo Lao Động nhận được phản ánh của người lao động Chi nhánh Sông Đà 908 (Công ty cổ phần Sông Đà 9) về việc bị công ty chậm lương và nợ BHXH.

Cụ thể, người lao động (NLĐ) cho biết, đã được công ty ký hợp đồng chính thức, đang làm việc tại công ty, nhưng không biết vì lý do gì mà tình trạng chậm lương kéo dài từ khi NLĐ làm việc tới giờ vẫn chưa được xử lý. Theo NLĐ này, nhiều trường hợp khác cũng bị tương tự.

Ngoài ra, NLĐ còn phản ánh, các chế độ về chậm lương được nhà nước quy định như được tính theo lãi suất ngân hàng cũng không có…

Để có thông tin 2 chiều, phóng viên có buổi làm việc với ông Lê Đăng Quân – Chủ tịch Công đoàn Công ty Sông Đà 9 và ông Trần Viết Liêm – Trưởng ban Tổ chức Chi nhánh Sông Đà 908.

Ông Quân cho biết, công ty đã trả lương đến hết tháng 4.2020 cho NLĐ; hiện công ty đang nợ lương NLĐ từ tháng 5-8.2020.

Nguyên nhân ông Quân đưa ra là do công ty gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

“Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, cũng gặp khó khăn trong giai đoạn này. Công ty đang thi công các công trình chính ở bên Lào. Từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư, tổng thầu – đều là người nước ngoài – chưa sang nên chưa làm thủ tục thanh toán được, chưa thu hồi công nợ được. Các tổng thầu đang nợ công ty số tiền lớn”- ông Quân nói.

Bên cạnh đó, vẫn theo ông Quân, cũng do dịch COVID-19 nên công ty không đưa lao động sang nước ngoài làm việc được. Điều này dẫn đến phải cắt giảm nhân sự, ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ.

Trước thời điểm cuối năm ngoái, công ty có khoảng 1.000 NLĐ, thì hiện tại chỉ còn hơn 500 người. Riêng số NLĐ của Chi nhánh Sông Đà 908 hiện nay khoảng 100 người.

Ông Quân cũng cho hay, số NLĐ mất việc đã chủ động đi tìm việc mới. Công đoàn và công ty sẵn sàng tiếp nhận lại NLĐ khi tình hình khá hơn. Công ty cũng liên hệ với các đơn vị khác cùng tổng công ty để kết nối việc làm cho NLĐ.

Nói về hướng giải quyết, ông Quân cho hay, công ty đang quyết tâm, tìm mọi cách để tìm kiếm việc làm, sắp xếp việc làm cho NLĐ; huy động vốn từ nguồn cá nhân để duy trì sản xuất, trả lương.

Công ty cũng đang nỗ lực đàm phán với các chủ thầu để có nguồn trả lương chi trả cho NLĐ; đồng thời chờ 1 công trình thuỷ điện mà công ty thi công ở Lào Cai phát điện để có nguồn tài chính, từ đó thanh toán lương cho NLĐ.

Ông Quân hy vọng là vào tháng 11 sẽ trả lương bị chậm cho NLĐ.

Về vấn đề bảo hiểm xã hội, ông Trần Viết Liêm cho hay, chi nhánh đang nợ tiền bảo hiểm xã hội cho NLĐ từ tháng 1-5.2020 do ảnh hưởng của COVID-19 nên chưa có nguồn để chuyển cho cơ quan bảo hiểm; còn đã đóng BHXH từ tháng 5-9.2020; thẻ bảo hiểm y tế thì đã đóng đến tháng 12.2020.

“Chi nhánh đã làm việc với BHXH, cơ quan BHXH đã tạo điều kiện, trên hệ thống BHXH không bị gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm của NLĐ. Nếu NLĐ bị ốm đau, tai nạn, thai sản… thì chi nhánh chủ động trích trả trước cho NLĐ, BHXH sẽ trả lại cho chi nhánh sau”- ông Liêm nói.

Theo quy định của Điều 96 Bộ Luật lao động 2012 và Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”

Khi phóng viên trao đổi về vấn đề này, ông Quân cho biết sẽ nghiên cứu để đề xuất với lãnh đạo công ty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn