MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huệ Chi chia sẻ về kinh nghiệm chi tiêu. Ảnh NVCC

Chi tiêu 3 triệu đồng/tháng: Chắc chỉ có sinh viên năm nhất

ANH THƯ LDO | 05/08/2022 11:17
Với sinh viên những năm đầu cao đẳng, đại học, đặc biệt các bạn trẻ từ các tỉnh đến thành phố lớn học tập phải “gánh vác” thêm khoản phải hạch toán chi tiêu mỗi ngày.

Vẫn có tháng cháy túi

Khi chưa đi làm, mỗi sinh viên đều nhận một khoản chu cấp từ cha mẹ mỗi tháng. Các bạn trẻ hay tếu táo gọi là “học bổng u ta chi”.

Tiền thuê trọ, tiền điện, nước, ăn uống… đã được trọn gói với một mức tiền nhất định, tuỳ thuộc vào kinh tế mỗi gia đình. 

Con số chu cấp 3 triệu đồng/tháng là khoản thường thấy của phần đông sinh viên. Bạn Bùi Thị Huệ Chi (SN 2000, ở Hải Dương) chia sẻ: “Khi còn học năm nhất, bố mẹ cho tôi mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng. Với một khoản tiền nhất định, chúng tôi cũng phải tính toán, co kéo để không bị thâm hụt”.

Giải pháp mà bạn Chi đưa ra để giảm chi phí chi tiêu tại Hà Nội là rủ nhiều bạn bè thuê chung một phòng trọ. Như vậy, tiền thuê nhà chỉ mất khoảng 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, 2 triệu còn lại sẽ là tiền ăn uống và một số khoản khác.

Là sinh viên, bạn trẻ này cũng tích cực về quê và được bố mẹ gói ghém đồ ăn, thức uống cho mang theo. Chính vì vậy, khoảng thời gian đầu xuống thủ đô học tập, bạn Chi chưa phải lo nghĩ quá nhiều đến vấn đề tiền bạc, mà có thể tập trung toàn bộ vào học tập tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội.

Từ năm hai trở đi, Chi tham gia nhiều hoạt động trong nhà trường cũng như ngoài xã hội. Vì vậy, nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng lên. Số tiền chu cấp 3 triệu đồng/tháng của gia đình gần như không còn đủ để duy trì đến hết tháng. Không ít lần bạn trẻ này rơi vào cảnh cháy túi, ăn mì tôm trừ bữa.

Cho nên, bạn Chi nảy ra ý định tìm một công việc bán thời gian trong những lúc rảnh rỗi. Vừa tích luỹ được kỹ năng giao tiếp, va vấp với nhiều người hơn, cô bạn này còn có thêm 1-2 triệu đồng mỗi tháng để chi tiêu.

Vừa tốt nghiệp đại học, Chi đang tất bật với công việc trong lĩnh vực logistics mà mình đặt nhiều kì vọng. Song, bài toán chi tiêu làm sao để đủ trang trải cuộc sống tại thành phố lớn cũng khiến cô gái này luôn đau đầu.

“3 triệu cũng đủ mà giờ đến 5 triệu dành cho chi tiêu mỗi tháng cũng hết. Bản thân tôi cũng phải cân đối lại giữa thu nhập và chi tiêu của mình” -  Huệ Chi chia sẻ.

Không có thước đo chi tiêu

Bạn T.B.Y – sinh viên năm 3 Đại học Thương mại (Hà Nội) cho rằng việc chi tiêu ra sao dựa trên nhu cầu của mỗi cá nhân. Rất khó lòng có thể đưa ra một số tiền làm thước đo chi tiêu cho bất kì ai.

 Bạn T.B.Y chia sẻ về quản lý chi tiêu với sinh viên. Ảnh NVCC

Hiện, bạn Y đang sống cùng gia đình tại Long Biên (Hà Nội), vì vậy, mỗi tháng sẽ không mất tiền thuê phòng trọ như những sinh viên khác.

“Một tháng tôi chỉ mất tiền xăng xe, ăn uống, hoặc đi chơi đâu đó với bạn bè. Vì vậy, tôi cũng không tiêu hết số tiền là 3 triệu đồng” – Y nói.

Bên cạnh đó, cũng với số tiền trên mà để sinh viên xa nhà, phải thuê trọ tại Hà Nội để sinh sống, học tập thì có thể vẫn thiếu. Đặc biệt, với những bạn trẻ thích tham gia nhiều hoạt động, đi chơi cùng bạn bè buộc chi phí mỗi tháng sẽ cao hơn.

Cũng giống như nhiều sinh viên khác, bạn Y phải “bươn” ra ngoài để làm thêm. “Tôi có đi làm thêm ở một vài nơi để có nguồn thu nhập và mạnh dạn hơn, cải thiện kỹ năng giao tiếp cũng như giải quyết vấn đề. Hiện tại, tôi đang đảm nhận vị trí marketing cho một công ty” – Y nói.

Theo sinh viên này, nguồn thu khi làm thêm cũng là phần thiết yếu, giúp các bạn trẻ có cuộc sống thoải mái hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu cao hơn.

Bạn Y đang nung nấu ý định sẽ xin phép bố mẹ cho ra ngoài thuê trọ. Theo Y, điều này giúp mình sống độc lập hơn, tự quản lý chi tiêu và có thể phá vỏ bọc an toàn bấy lâu của mình.

Chu cấp cho sinh viên bao nhiêu tiền một tháng là đủ?

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này qua email của Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn