MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng (Ảnh: Xuân Hải).

“Chặt khúc” quốc lộ bán vé: Bộ Giao thông Vận tải không thể giải thích như vậy

XUÂN HẢI (THỰC HIỆN) LDO | 25/05/2015 14:42
Liên quan đến tình trạng bố trí các trạm thu phí đường bộ BOT bất hợp lý, không đúng quy định đã được báo Lao Động phản ánh qua loạt bài: “Chặt khúc” quốc lộ bán vé, dân oằn mình vì phí”, trao đổi với PV báo Lao Động bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng 25.5, ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải không thể giải thích theo kiểu thỏa thuận với địa phương để lập trạm BOT.

Thưa ông, vừa qua báo Lao Động đã phản ánh tình trạng lập các trạm thu phí đường bộ BOT không đúng quy định, trong đó có cả việc bố trí các trạm BOT trên quốc lộ 14 ở Tây Nguyên khiến dư luận bức xúc, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, trong Luật Giao thông thông đường bộ quy định mỗi chặng thu phí cách nhau 70 km, tuy nhiên, chính việc xuất hiện tình trạng có nhiều trạm BOT gần hơn do một điều kiện nào đó, hay bố trí khoảng cách các trạm thu phí BOT không đúng đã gây trở ngại cho người dân.

Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương xã hội hóa để nâng cao chất lượng đường giao thông, người dân đi lại thuận tiện, điều này hoàn toàn đúng, nhưng xã hội hóa như thế nào và tổ chức các trạm BOT như thế nào cho phù hợp, đúng với quy định thì cần phải nghiên cứu kỹ, chứ không phải thích bố trí như thế nào thì bố trí. Việc bố trí các trạm BOT dày quá ở các tỉnh Tây Nguyên như báo Lao Động phản ánh sẽ gây khó khăn cho người dân.

Theo tôi lẽ ra ở Tây Nguyên tình hình kinh tế xã hội đang khó khăn, nên phải hỗ trợ bà con nơi đây giá cả, ưu tiên giảm phí. Tuy nhiên, chính việc có nhiều trạm thu phí BOT thành giá cả lại bị đội lên vì trạm thu phí và đó là mối lo ngại lớn.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo giải trình về việc bố trí các trạm thu phí BOT, ý kiến của ông như thế nào về giải trình này?

- Bộ Giao thông vận tải có giải trình về việc bố trí các trạm BOT và cho đây là vấn đề đã được thỏa thuận ở các địa phương. Tuy nhiên, theo tôi đã là luật quy định thì không thể giải thích theo kiểu thỏa thuận với địa phương được. Theo tôi Bộ Giao thông Vận tải cần phải nghiên cứu, cân nhắc thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo thực hiện được luật, vừa đảm bảo chủ trương xã hội hóa cho hiệu quả.

Bên cạnh những bất hợp lý về việc bố trí khoảng cách các trạm BOT về khoảng cách, thì một số trạm BOT lại thu tiền khi đường vẫn chưa đưa vào sử dụng, quan điểm của ông của vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng chưa làm xong đường mà đã tổ chức lập trạm BOT để thu phí đường bộ thì đây là vấn đề phải nghiên cứu. Theo tôi, phải theo nguyên tắc khi nào làm xong đường mới được thu phí, còn chưa làm đường xong mà đã thu phí, thu tiền của dân, khiến dân bức xúc, không đồng tình là không thể chấp nhận được.

Theo ông, để khắc phục tình trạng lập các trạm thu phí BOT bất hợp lý, Bộ Giao thông Vận tải cần phải làm gì, thưa ông?

Theo tôi, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu cụ thể, phải tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân, và phải nghiêm túc thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, khoảng cách 2 trạm thu phí BOT tối thiểu là 70 km.

Xin cảm ơn ông!

[Video] Ông Nguyễn Bá Thuyền trả lời phỏng vấn báo chí bên lề QH:

This browser does not support the video element.




Gợi ý dành cho bạn