MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số chứng khoán tăng mạnh hơn 35 điểm kết phiên giao dịch ngày 25.5 nhưng mã cổ phiếu HPG của Hòa Phát vẫn nhuốm sắc đỏ giảm giá. Ảnh: Thế Lâm.

Chia sẻ từ ông chủ tịch Hòa Phát, gánh chịu chính nên là HPG

Thế Lâm LDO | 26/05/2022 06:37

Những chia sẻ về triển vọng kinh doanh không thuận lợi của doanh nghiệp Thép Hòa Phát từ ông chủ tịch Trần Đình Long gây hệ lụy nặng nề tới cổ phiếu ngành thép trong phiên giao dịch ngày 24.5, và tiếp tục ảnh hưởng sang phiên sáng ngày 25.5.

Trong phiên giao dịch ngày 24.5, những thông tin chia sẻ tại một sự kiện cùng ngày từ ông chủ tịch Hòa Phát khiến sang phiên chiều nhóm cổ phiếu ngành thép trên thị trường chứng khoán lao đao, bị bán tháo và giảm giá mạnh, có nhiều thời điểm nhiều mã cổ phiếu bị rơi xuống mức giá sàn.

Sang phiên giao dịch sáng ngày 25.5, hệ lụy này tiếp tục đeo bám nhóm cổ phiếu ngành thép, đặc biệt là mã cổ phiếu HPG của Hòa Phát, có thời điểm giảm đến 5,3%.

Trong khi đó, các mã thuộc tốp đầu của ngành như HSG (Tôn Hoa Sen), NKG (Thép Nam kim) cũng không thoát khỏi liên lụy. NKG có thời điểm mất giá đến 3,35%, còn HSG thời điểm mất giá nhiều nhất tương đương 2,22%...

Theo chuyên viên kinh doanh của một công ty chứng khoán, tình hình của một doanh nghiệp thép lớn như Hòa Phát sẽ có những nét mang tính đại diện về mặt bằng kinh doanh của ngành, trong đó có tình hình biến động về giá nguyên liệu đầu vào khiến chi phí sản xuất, bán hàng giá tăng; tình hình phong tỏa vì COVID-19 tại một số thị trường khiến xuất khẩu thép chậm lại…

Tuy nhiên, bức tranh chung đó được phản ánh từ một doanh nghiệp đầu ngành cũng không thể đại diện hết cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành. Bởi mỗi doanh nghiệp, sẽ có những đặc trưng riêng, có những thế mạnh hoặc mảng doanh thu cấu trúc không hoàn toàn giống như Hòa Phát, cho nên nếu có gặp sự không thuận lợi thì cũng ở những mức độ khác nhau.

Trong khi đó, sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, có một số doanh nghiệp thép có tình hình kinh doanh tốt, phản ánh qua hệ số EPS (lợi nhuận/cổ phiếu) đạt hơn 2.000 đồng.

Vì thế, cho rằng triển vọng kinh doanh theo dự báo không thuận lợi, cũng có nghĩa là doanh thu và lợi nhuận có thể không đạt như kỳ vọng, hoặc không cao như mức đỉnh đã từng đạt trước đó, chứ không có nghĩa là các doanh nghiệp thép thua lỗ hay phá sản.  

Thị trường chứng khoán phản ứng theo tâm lý. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp như thế, sẽ là không công bằng khi tất cả các doanh nghiệp thép phải gánh chịu hệ lụy từ thông tin kinh doanh không thuận lợi được chia sẻ từ một doanh nghiệp. Tuy nhiên để nhận rõ được vấn đề này, thị trường cần thời gian để ngộ ra.

Trên thực tế, phiên giao dịch chứng khoán chiều ngày 25.5 trên sàn HSX, khi toàn thị trường chuyển mạnh sang sắc xanh tăng điểm, mã cổ phiếu HPG vẫn bị trì níu không thể xanh được. Đến kết phiên khi chỉ số VN-Index tăng mạnh hơn 35 điểm tương ứng mức tăng 2,84%, mã HPG vẫn còn giảm giá 1,3%.

Tuy nhiên, đây có thể xem là sự công bằng khi dường như chỉ còn mã HPG bị giảm giá trong một chiều điểm số VN-Index và thanh khoản trên HSX đã bùng nổ theo đà, còn lại hầu hết các mã cổ phiếu ngành thép như HSG, NKG, TVN… đều đã chuyển sang sắc xanh và tăng giá mạnh.

Song cũng có thể thấy, tâm lý thị trường đã có sự phản ứng thái quá trước một thông tin chia sẻ mang tính công khai, gây liên lụy tới các cổ phiếu của cả một nhóm ngành và thậm chí cả thị trường tại một thời điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn