MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân mất tiền triệu sau khi nhận cuộc gọi từ đối tượng lừa đảo giả mạo Shipper. Ảnh: Khánh An

Chiêu lừa khiến tài khoản "bốc hơi" 12 triệu đồng sau 3 giây

KHÁNH AN LDO | 14/09/2024 09:45

Trước tình trạng nhiều người dân bị lừa đảo dưới hình thức giả mạo shipper, Bộ TTTT cho biết đang rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân.

Mất tiền triệu vì chiêu lừa giả danh người giao hàng

Phản ánh với Lao Động, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mới đây, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên giao hàng. Người này cho biết chị có một đơn hàng COD (thanh toán khi nhận hàng) trị giá 320.000 đồng.

Do đang trong giờ làm việc, chị Nga nhờ người này nhét qua khe cổng nhà và xin số tài khoản để chuyển khoản. “Theo thông tin hiển thị trên ứng dụng của sàn thương mại điện tử thì đúng ngày hôm đó tôi có một đơn hàng trên đường giao. Người này cũng đọc đúng tên loại mặt hàng nên tôi không nghi ngờ gì mà chuyển khoản luôn” – chị Nga kể lại.

Sau khi chị chuyển khoản thành công, người này nhắn tin cho biết gửi nhầm tài khoản đăng ký hội viên của đơn vị giao hàng. Để tránh bị phạt và được hoàn tiền đơn hàng, người này nhờ chị Nga liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn các bước tiếp theo.

Nghi ngờ bị lừa, chị Nga gọi điện lại nhưng đầu dây bên kia không bắt máy. Khoảng 1 tiếng sau, một người giao hàng quen gọi điện cho chị Nga nói có đơn hàng và đã để ở cổng nhà chị như những lần trước. Lúc này chị Nga chắc rằng mình đã bị lừa 320.000 đồng.

Tin nhắn giữa chị Nga và đối tượng giả mạo người giao hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong khi đó, chị Vũ Thị Thi (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết đã bị lừa mất 12 triệu đồng với chiêu trò tương tự. Chị Thi kể, một đối tượng giao hàng cho chị Thi và yêu cầu chị chuyển 30.000 đồng tiền phí giao hàng qua số tài khoản có tên Lê Minh Khiêm. Sau khi chị chuyển khoản thành công, đối tượng gọi lại và nói đã gửi nhầm số tài khoản đăng ký thẻ hội viên. Để hủy đăng ký, chị Thi cần truy cập vào đường link đối tượng gửi và nhắn “tôi muốn hủy thẻ hội viên”.

Sau đó, chị được hướng dẫn mở ứng dụng ngân hàng, điền số tài khoản mà họ cung cấp. Riêng mục "số tiền cần chuyển" sẽ copy - paste theo số họ gửi và nhấn giữ trong vòng 3 giây để được hoàn tiền. Thế nhưng, sau 3 giây, chị Thi nhận được thông báo trừ 12 triệu đồng trong tài khoản.

Chị Thi bị mất 12 triệu đồng sau khi truy cập vào đường link lạ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu

Việc hàng loạt người dân phản ánh bị lừa đảo dưới hình thức giả mạo người giao hàng khiến các chuyên gia lo ngại về việc lộ lọt thông tin khi mua hàng online.

Trả lời câu hỏi của Lao Động về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, để giải quyết tình trạng lừa đảo thông qua hình thức giả mạo shipper giao hàng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân khi mua sắm trực tuyến, đơn vị đã và đang phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thực hiện một số biện pháp.

Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông trên diện rộng; chỉ đạo các cơ quan thuộc lĩnh vực quản lý tăng cường thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân, triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các đơn vị chức năng của Bộ TTTT phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam; xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin.

"Để ngăn chặn việc rò rỉ dữ liệu, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến như mã hóa thông tin, xác thực hai yếu tố (2FA) và hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CRM) được bảo mật chặt chẽ hơn" - Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn