MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bạn đọc phản ánh đến Báo Lao Động vì bị bủa vây mởi những tin nhắn mời chào dịch vụ "nhạy cảm". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chiêu thức lừa đảo đằng sau tin nhắn mời chào dịch vụ "nhạy cảm"

LƯƠNG HẠNH LDO | 10/08/2023 06:30

Hàng loạt tin nhắn mời chào các dịch vụ "nhạy cảm" một cách công khai bủa vây người dân. Đáng nói, đằng sau đó, lại là một chiêu thức lừa đảo mới.

Đang ở cơ quan làm việc, anh Bùi Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ được tin nhắn với nội dung như: Nữ sinh đại học ở trường, bên cạnh anh, em rảnh rỗi; anh ơi, anh ở nhà có buồn chán không, em có thể đến tận nhà... giá cả ưu đãi; các cô em nhiệt tình, chiều chuộng...

Theo anh Giang, các tin nhắn này đều từ số điện thoại lạ khác nhau. Nhưng điểm chung là đều liên kết đến với tài khoản mạng xã hội Zalo hoặc Telegram.

Anh Giang tưởng rằng có người nhắn nhầm số, nhưng khi gọi điện vào một trong các số điện thoại trên, anh chỉ nhận được tiếng "thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được".

"Không gọi được nên tôi cũng không để ý thêm vì tôi chưa thấy có hậu quả to tát. Tuy nhiên, đây là hiện tượng rất đáng lo ngại vì có thể là hành vi mại dâm núp bóng hoặc lừa đảo người dân" - anh Giang cho hay.

Dịch vụ "nhạy cảm" gần đây được phát tán một cách chóng mặt. Anh Giang cho biết, không chỉ anh mà nhiều đồng nghiệp cùng công ty anh đều bị làm phiền bởi những tin nhắn này. Ngoài với đàn ông, phụ nữ cũng thường xuyên bị quấy rối.

"Tôi không hiểu tại sao liên tiếp nhận được các tin nhắn giới thiệu dịch vụ gái gọi, phục vụ tận nhà một cách công khai như thế này. Nếu bạn bè, người thân không hiểu mà đọc được tin nhắn này, họ sẽ nghĩ tôi thế nào?" - anh Giang bức xúc.

Từ thông tin bạn đọc phản ánh, PV Báo Lao Động đã thử kết bạn qua Zalo với số điện thoại mời chào trên. Sau đó, đối tượng này gửi thông tin và giới thiệu PV gia nhập nhóm theo link mà đối tượng này cung cấp.

Cụ thể, đối tượng có nick name "Thảo xinh" đưa ra các nhiệm vụ vô cùng đơn giản. Trong đó, điển hình là xem video, thả nút yêu thích chương trình truyền hình, nhấn thích trên Youtube, đánh giá khách sạn, sản phẩm trên các website của siêu thị.

Theo đó, các đối tượng gửi đường link thật từ các website thương hiệu nổi tiếng để người tham gia tin tưởng họ đang làm cho thương hiệu này. Sau đó, đối tượng sẽ trả thưởng đúng cam kết cho các nhiệm vụ hoàn thành ban đầu nhưng với số tiền thấp, dưới 100.000 đồng.

Khi thấy "con mồi" lọt bẫy, rơi vào vòng xoáy kiếm tiền nhanh, dễ, đối tượng sẽ yêu cầu nạp thêm tiền để nhận nhiệm vụ, hưởng mức hoa hồng cao hơn.

Cuối tháng 6.2023, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm đến nhiều nhóm người dùng khác nhau đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra.

Bộ này cho biết, không gian mạng Việt Nam đang tồn tại ba nhóm lừa đảo chính gồm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp. Ba nhóm này xuất hiện dưới 24 hình thức. Cục An toàn thông tin cho biết, hình thức lừa đảo online được thực hiện bằng nhiều kịch bản khác nhau và ngày càng tinh vi.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, cơ quan Công an đã phát hiện 13.095 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Công an dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa; xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn