MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Game đấu trí Chinh phục vũ môn.

“Chinh phục vũ môn” - nên dừng hay tiếp tục?

Hà Phương LDO | 12/12/2016 11:50
Trước phản ứng dữ dội của phụ huynh và dư luận, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tạm dừng cuộc thi "Chinh phục vũ môn" vốn đình đám suốt 3 năm qua trong trường học phổ thông trên cả nước. Người lớn lên tiếng đã nhiều, chỉ trích là game online cũng không ít. Nhưng còn học sinh - người thật sự trong cuộc - muốn gì và cuộc thi này có phải hoàn toàn tai hại như nhiều người nghĩ?

Một cựu học sinh THCS, em Trần Kiệt (Đông Hòa, Phú Yên) người tham gia "Chinh phục vũ môn" mùa 1 và 2 lên tiếng: “Em cho rằng, nhiều người đã nhầm lẫn giữa cuộc thi "Chinh phục vũ môn" (chinhphucvumon.vn) và game online "Chinh phục vũ môn" (cpvm.vn)”. Không riêng gì Kiệt, tôi cũng đã nghe nhiều học sinh, trong đó có con trai tôi đang học lớp 7, nói vậy. Thử tìm hiểu tôi được biết, đúng vậy.

Cuộc thi "Chinh phục vũ môn" được tổ chức ở quy mô cấp trường, cấp tỉnh và cấp quốc gia, diễn ra trong nhiều tuần liên tiếp. Để tham gia, thí sinh cần đăng ký thông tin cá nhân, trường, lớp. Khi thi, học sinh phải trả lời lần lượt câu hỏi trắc nghiệm với 4 phương án A, B, C, D. Trả lời càng nhanh, số câu hỏi càng ít đi và thí sinh nhanh chóng đặt chân tới cổng vũ môn. Trong số câu hỏi đưa ra, 30% thuộc kiến thức khoa học tự nhiên, 30% thuộc khoa học xã hội và 40% về hiểu biết chung. Cuộc thi này từ trước đến nay hoàn toàn miễn phí và công bằng mà nói, rất bổ ích với học sinh cả tiểu học lẫn THCS.

Hạn chế và “tai hại” theo như bức xúc dư luận thời gian qua là game online "Chinh phục vũ môn", gần giống với "Cờ tỷ phú" của Mỹ. Trong đó có những tính năng khác như phòng học, phòng nghiên cứu, cửa hàng mua sắm. Muốn nâng cấp, hoặc tiến hóa các vật phẩm trang bị để dễ dàng chiến thắng thì người chơi phải dùng thẻ nạp tiền. Và đây là điều mà công ty phát hành cùng Bộ GD-ĐT và đơn vị tổ chức cần phải rà soát, sửa lỗi hay xem xét thật cẩn trọng hoặc bỏ hẳn. Nếu làm được vậy mà nói thẳng ra là đừng có kiểu nạp tiền để chơi thì "Chinh phục vũ môn" vẫn là cuộc thi cần thiết và bổ ích.

Theo một số chuyên gia giáo dục, học sinh cần nhiều hơn sân chơi thực tế thay vì đắm mình trong thế giới ảo. Tôi đồng ý, nếu Internet, game online bị lạm dụng và gây tác hại. Tuy nhiên, với những cuộc thi đậm tính trí tuệ, giúp trẻ bổ sung kiến thức, hiểu về quê hương đất nước và phát triển trí tuệ tốt hơn thì cũng đừng nên dị ứng quá mức. Nhiều nước cũng coi trọng sân chơi và trò chơi trí tuệ không kém gì những hoạt động ngoài trời. Trò chơi hay cuộc thi nào cũng có mặt tốt và chưa tốt. Nếu hữu ích hoặc có thể “vá lỗi” để tốt hơn cho trẻ, tại sao lại dừng hẳn một sân chơi mà nhiều học sinh ưa thích?

Tôi xin ghi lại ý kiến của một học sinh từng dự thi chung kết toàn quốc "Chinh phục vũ môn". Đỗ Thị Thanh Trúc (Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt, Rạch Giá, Kiên Giang) chia sẻ: "Dự thi "Chinh phục vũ môn" toàn quốc đã giúp em có những trải nghiệm mới, những người bạn mới ở khắp mọi miền đất nước. Nếu không có cuộc thi, có lẽ không bao giờ em được đặt chân tới thủ đô".

Bạn có quyền nói không với "Chinh phục vũ môn" với những lý do của riêng mình. Còn tôi cũng muốn chúng ta bình tĩnh nhìn nhận rõ ràng giữa cuộc thi "Chinh phục vũ môn" và game online "Chinh phục vũ môn" từ nhiều góc khác nhau. Tôi cũng rất mong những ý kiến thấu đáo, đạt tình hợp lý cho vấn đề đang nhiều tranh cãi này để cùng cân nhắc nên dừng hay tiếp tục “phiên bản vá lỗi” của "Chinh phục vũ môn".

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn