MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chính quyền cấp sổ đỏ sai, đẩy người dân Nam Sơn vào thế khó

Nhóm PV LDO | 29/08/2024 14:00

Sổ đỏ huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cấp cho người dân xóm 20 Xuân Bảng, xã Nam Sơn, nhưng sau đó lại thu hồi hàng loạt vì cấp không đúng quy định.

Trên nóng… dưới lạnh

Mặc dù 20 năm gánh chịu mùi hôi thối từ rác thải, nhưng những người dân sống quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội) bán kính 500m - vẫn chưa thể chuyển đến nơi ở mới vì Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường chưa thỏa đáng.

Theo Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ tái định cư do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập, phần diện tích đất ở tại nông thôn của nhiều hộ dân xóm 20 Xuân Bảng, xã Nam Sơn bị coi là diện tích đất vườn, ao hoặc đất trồng cây lâu năm không cùng thửa đất ở. Do đó, phần diện tích đất ở này chỉ được bồi thường ở mức 78.000 đồng/m2.

Trước khi ra Phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng từ Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, theo thông tin Báo Lao Động ghi nhận, tất cả các hộ dân xóm 20 Xuân Bảng đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào các năm từ 2015 - 2017, trong đó có cả phần diện tích đất ở, đất ao vườn và đất trồng cây lâu năm.

Tuy nhiên, đến năm 2021, UBND huyện Sóc Sơn lại ban hành nhiều quyết định để thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân tại xóm 20 Xuân Bảng, với lý do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định của pháp luật.

Người dân không đồng tình với dự thảo Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng từ Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: PV

Điều đáng nói ở đây, trước khi ban hành nhiều quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân tại xóm 20 Xuân Bảng, ngày 29.10.2020, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã ra thông báo kết luận của, Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác tại cuộc họp xử lý, khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo công tác vận hành cho Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Thông báo nêu rõ nội dung: Trường hợp các hộ dân vẫn có kiến nghị, đề nghị được bồi thường theo đúng diện tích đất ở được ghi trên giấy chứng nhận, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt phương án theo giấy chứng nhận, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

UBND huyện Sóc Sơn lại ban hành nhiều quyết định để thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân tại xóm 20 Xuân Bảng. Ảnh: PV

Không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Sóc Sơn không thực hiện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố Hà Nội là phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân theo giấy chứng nhận, mà lại ra các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân xóm 20 Xuân Bảng, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Bùi Việt Hùng - Giám đốc Công ty Luật Bui Viet Law (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, theo như Văn bản 508 truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân.

Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn ban hành rất nhiều Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của người dân, trong đó có một số Giấy chứng nhận cấp sai hạn mức và cả Giấy chứng nhận cấp đúng hạn mức.

"Theo tôi, ở đây có dấu hiệu của hành vi làm trái kết luận chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, nhằm né tránh việc phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý sai phạm của các tổ chức, cá nhân đã cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian trước đó", Luật sư Hùng nhận định.

Ai chịu trách nhiệm khi cấp sai sổ đỏ

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc tại sao những hộ dân xóm 20 Xuân Bảng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đất ở, nhưng dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập lại bồi thường phần diện tích thành phần diện tích trồng cây lâu năm với số tiền 78.000 đồng/m2.

Bà Nguyễn Thị Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết, theo Quyết định 3232 ngày 9.8.1999 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Điều 2.2 của Quyết định nêu:

"Các hộ có nhà ở nằm trong phạm vi 100m liền kề các ô chôn lấp phế thải phải di chuyển và được hưởng các chính sách như tiếp tục quản lý, sử dụng đất để trồng cây lâu năm, hoặc sản xuất nông lâm nghiệp; được đền bù thiệt hại tài sản trên đất theo quy định, không đền bù thiệt hại về đất.

Đồng thời được hỗ trợ ổn định nơi ở không quá 8 triệu đồng/hộ; được hỗ trợ ảnh hưởng môi trường và khắc phục khó khăn trong canh tác 5.100 đồng/m2".

Bà Nguyễn Thị Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Ảnh: PV

Chính vì vậy, bà Thảo cho rằng, theo quyết định này, những hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng môi trường Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã nhận hỗ trợ 8 triệu đồng; hoặc nhận bằng đất (trường hợp không nhận 8 triệu đồng), thì toàn bộ đất ở của người dân được coi là đất trồng cây lâu năm.

"Vậy tại sao đến năm 2015, những hộ dân ở xóm 20 Xuân Bảng lại được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, với phần diện tích đất ở?" - PV Báo Lao Động hỏi.

Bà Thảo cho rằng, vấn đề này không thuộc thẩm quyền trả lời của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Song bà cũng thông tin do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai, nên cấp có thẩm quyền đã thu hồi.

Việc UBND huyện Sóc Sơn cấp sai sổ đỏ cho người dân, sau đó thu hồi hàng loạt trước khi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với nội dung phần đất ở được bồi thường giá 0 đồng, theo Luật sư Bùi Việt Hùng - Giám đốc Công ty Luật Bui Viet Law, có dấu hiệu không khách quan, minh bạch.

Việc cấp sai sổ đỏ thuộc trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn trong thời gian từ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2015-2017) tới thời điểm ra Quyết định thu hồi.

Để khắc phục những tồn tại trên, Luật sư Hùng cho rằng, Thành phố Hà Nội cần yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn nghiên cứu lại chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng, căn cứ vào các Giấy chứng nhận đã cấp, cũng như hạn mức đất ở tại khu vực Nam Sơn để phê duyệt phương án bồi thường thỏa đáng, chính xác, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn