MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Giàng Xuân Hải tìm công việc làm công nhân tạm thời trong thời gian chờ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Thục Quyên

Chờ đi xuất khẩu lao động, nhiều người làm công nhân tạm thời

Thục Quyên LDO | 18/03/2024 13:13

Bên cạnh những người gắn bó với nghề làm công nhân, có trường hợp người lao động tính toán làm nghề này tạm thời, thời gian ngắn để có thu nhập trong lúc chờ đi xuất khẩu lao động hoặc tìm công việc khác.

Tại bảng tuyển dụng cổng Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), thời gian này, hằng ngày có rất nhiều người lao động đến để tìm hiểu thông tin tuyển dụng làm công nhân. Có người lần đầu tiên đi xin vào làm trong công xưởng; có người đã từng làm công nhân, nhưng sau đó thấy không phù hợp (về tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc…), nên bỏ việc, sau Tết đi tìm nơi làm mới. Ngoài ra, có những trường hợp tìm việc làm công nhân để làm tạm thời một thời gian ngắn.

Anh Giàng Xuân Hải (quê Lào Cai) cùng vợ tìm đến bảng tuyển dụng để tìm hiểu thông tin về mức lương, thu nhập, thời gian làm thêm… của những vị trí làm công nhân tại các công ty trong khu công nghiệp.

“Tôi từng làm nghề lái xe trong nhiều năm. Công việc này vất vả, nhưng không ổn định, thường xuyên phải vắng nhà. Mới đây, tôi quyết định sẽ đi xuất khẩu lao động với mong muốn có thu nhập tốt hơn” – nam thanh niên nói.

Anh Hải là người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc diện được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, chi phí để đi xuất khẩu lao động không quá cao. Anh dự định sẽ dùng tiền tiết kiệm và vay mượn thêm của họ hàng để đi xuất khẩu lao động.

“Trong lúc chờ đợi đi xuất khẩu lao động thì vợ chồng tôi vẫn rất cần có thu nhập để trang trải cuộc sống. Vì vậy, tôi quyết định xuống Khu công nghiệp Thăng Long để tìm việc làm. Vợ chồng tôi chọn xuống khu công nghiệp này vì qua tìm hiểu, các công ty tại đây này trả lương cơ bản cao hơn một số khu công nghiệp khác” – anh Hải cho biết.

Theo anh Hải, nếu công việc ổn định, tiền lương ổn định thì công việc không tăng ca cũng được; nhưng nếu lương cơ bản không cao, anh muốn được tăng ca để tăng thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống của vợ chồng. Lên Hà Nội, sống xa nhà, anh chị sẽ phải mất thêm nhiều chi phí, trong đó có tiền thuê nhà, điện nước, tiền sinh hoạt. Vợ anh làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Nếu tìm được việc làm tại đây, thu nhập mong muốn của anh là khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có trường hợp công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long thông tin, nếu người lao động được tuyển dụng thì hợp đồng đầu tiên sẽ là hợp đồng 6 tháng - đây không phải là hợp đồng thời vụ. Sau hợp đồng đầu tiên này, công nhân sẽ có cơ hội ký hợp đồng 6 tháng nữa hoặc 36 tháng.

Giống với anh Hải, anh Nguyễn Văn Chiến (quê Phú Thọ) cũng có mong muốn kiếm tạm một công việc trong khi chờ đợi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Nam thanh niên chọn đi làm công nhân bởi dễ kiếm việc, thu nhập lại ổn định, thậm chí còn khá cao nếu làm thêm nhiều.

“Hiện tại, tôi đang trong thời gian học tiếng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tìm được công việc làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long, vừa học vừa làm để có thêm thu nhập. Điều này đồng nghĩa tôi sẽ vất vả hơn, nhưng tôi sẽ cố gắng khắc phục. Nếu tôi không có thu nhập thì sẽ rất khó khăn do có rất nhiều khoản phải trang trải” – anh Chiến chia sẻ.

Người lao động đến tìm việc làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thục Quyên

Những trường hợp như anh Hải, anh Chiến không phải cá biệt. Theo ghi nhận của phóng viên, có những lao động chỉ tìm việc làm công nhân để có công việc tạm thời, có một khoản thu nhập tương đối trong lúc chờ đợi một công việc khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn