MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cho tiền người ăn xin: Nên sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng tố cáo

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/02/2023 08:08
Về vấn đề “Cho tiền người ăn xin”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - đã có những chia sẻ quan điểm với PV Báo Lao Động.

Những điều đáng trân trọng

Trong xã hội, có nhiều người “thất cơ lỡ vận”, nghèo túng, không may gia đình có người đang nằm viện chưa có tiền thanh toán… họ phải đi xin tiền để sống sót. Họ khổ tâm và cũng rất đáng để chia sẻ được giúp đỡ vượt qua khó khăn.

Không dưới 1 lần, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng như nhiều người dân khác bắt gặp người đi ăn xin ở trên đường phố. Nhiều trường hợp họ được người dân trên đường, trong quán ăn, quán cà phê... cho tiền.

PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: AJC.HCMA

Những người có thể chia sẻ, giúp họ lúc đó rất đáng trân trọng, hợp với đạo lý sống của người Việt Nam từ xưa đến nay: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”. Ông Trung cũng bày tỏ sự khuyến khích, biểu dương những người dám vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống cá nhân, không làm xã hội xấu đi.

"Hiện nay, các trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện đi tuần trên các tuyến phố, rà soát người khó khăn, để đưa về trung tâm, cho họ một chỗ ở, chăm sóc, hỗ trợ người neo đơn. Đó là sự nhân đạo của đất nước chúng ta” - ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, nhiều người vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn tại các trung tâm bảo trợ xã hội sinh sống một thời gian, họ lại xin ra ngoài. Khi còn sức khỏe, họ muốn tiếp tục được lao động, tạo ra của cải vật chất đủ để trang trải cuộc sống. Họ không muốn làm cho hình ảnh của đất nước xấu đi. Những người đó là tấm gương sáng, đáng để biểu dương, học tập.

Bà Mão - một người vô gia cư từng được đưa về trung tâm bảo trợ xã hội nhưng xin ra vì mong muốn được tiếp tục tự kiếm sống. Ảnh: Lương Hạnh

Nếu như trong xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh trên cơ sở giúp đỡ của cộng đồng, tổ chức xã hội thì điều này càng đáng biểu dương hơn nữa. Từ đó, sự khó khăn của họ mới được khắc phục một cách chắn chắn và bền vững.

Không để trắng - đen lẫn lộn

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, công an, chính quyền một số địa phương đã theo dõi, điều tra ra các đường dây của tội phạm lợi dụng, ép buộc những người tàn tật, người già, trẻ em ngồi đầu đường xó chợ để xin tiền. Chúng thu lại số tiền ăn xin của những người này. Việc làm đó là vi phạm pháp luật. Thực tế, cơ quan công an cũng đã xử lý một số vụ việc như vậy.

“Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng cả những người khỏe, đóng giả thành tàn tật, những người có con mọn, bụng mang dạ chửa... bắt phải đi ăn xin cho chúng. Khi chia sẻ với các cảnh đời, chúng ta cần phải xác định được đúng đó là người thực sự khó khăn; tránh tình trạng bị những đối tượng xấu lợi dụng sự thương cảm, đầu cơ trục lợi"- ông Trung bày tỏ.

Khi phát giác, mỗi người dân kiên quyết dám đấu tranh, báo cho cơ quan công an gần nhất để họ xử lý. Bên cạnh đó, người dân không nên dung túng, tham gia hay ủng hộ cho những cá nhân hoặc tổ chức đó.

Nếu không làm triệt để, trắng đen lẫn lộn thì chúng ta sẽ không thể tiếp cận được tới những người nghèo, đáng thương thực sự. Tấm lòng thơm thảo cùng những khoản tiền ủng hộ lại đổ về túi của những đối tượng lừa đảo, không đến được với những người neo đơn, khó khăn. Điều đó rất đáng tiếc và không đúng với nguyện vọng, tâm lý của chính những người muốn giúp đỡ người nghèo khó. 

"Mỗi chúng ta phải luôn sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ những người nghèo khó và vừa dám đứng lên đấu tranh tiêu cực, chống lại nhóm người lợi dụng lòng tốt của cộng đồng xã hội để thu lợi cá nhân bất hợp pháp. Chúng ta phải thực hiện song song cả 2 việc đó" - PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn