MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diện tích đất nằm trong sổ đỏ của BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, nhưng do người dân canh tác từ lâu. Ảnh: Hưng Thơ.

Choáng váng với con số gần 2.500 ha đất rừng ở khu bảo tồn bị xâm lấn

HƯNG THƠ LDO | 28/10/2023 13:05

Nhận thấy có biến động về hiện trạng rừng, Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông ở tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra sơ bộ, và choáng váng khi phát hiện 1.800 ha đất rừng đặc dụng bị xâm canh, xâm lấn. Kiểm tra cụ thể hơn, số diện tích đất rừng bị xâm lấn tăng lên gần 2.500 ha…

Nương rẫy có trước, hay khu bảo tồn có trước?

Gia đình ông Hồ Văn Nông (thôn Tà Lềng, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là đồng bào thiểu số Vân Kiều, có 6 nhân khẩu. Với 2 sào ruộng và khoảng 3 ha đất, quanh năm suốt tháng vợ chồng ông bám vào nương rẫy, để có miếng ăn chăm lo cho cả gia đình.

Ông Nông kể, 2 sào ruộng thì Nhà nước cấp, còn khoảng 3 ha đất cách nhà khoảng 1,5 km nằm bên đường Hồ Chí Minh thì được ông ngoại cho. Trên diện tích đất này, có một số cây ăn quả lâu năm được trồng, diện tích còn lại, cứ vào mùa vụ, ông Nông lại trồng sắn.

Tuy nhiên, khoảng 3 ha đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), và diện tích này hiện nằm trong sổ đỏ của BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Cũng ở thôn Tà Lềng, gia đình ông Hồ Văn Châm đang canh tác trên đất của khu bảo tồn, với diện tích khoảng 0,5 ha. Ông Châm cho hay, khoảng năm 1997, không có đất sản xuất, nên ông đi vào rừng, tìm nơi phù hợp để làm rẫy. Ông chọn được đám đất đẹp, bằng phẳng, rồi phát dọn để trồng lúa rẫy.

“Vợ chồng mình làm nhiều vụ lúa, rồi nhiều vụ sắn, khoai, bắp để nuôi gia đình. Nhưng cán bộ bảo đó là đất rừng của khu bảo tồn, đề nghị mình trả lại. Nhưng trả lại, thì lấy gì nuôi mấy miệng ăn. Ngoài 2 sào ruộng nước nhà nước cấp, có đất đâu mà canh tác” - ông Hồ Văn Châm, chia sẻ.

Cán bộ kiểm lâm và BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông thuyết phục ông Hồ Văn Châm (giữa ảnh) trả lại diện tích đất xâm lấn, nhưng không có kết quả vì “trả lại đất lấy gì ăn". Ảnh: Hưng Thơ

Theo trưởng thôn Tà Lềng Hồ Ai Bút, nhiều hộ dân ở thôn đều canh tác trên đất nằm trong sổ đỏ của BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Nhưng, phần lớn, nương rẫy của bà con có trước khi thành lập khu bảo tồn.

Đứng ở giữa bản Tà Lềng, ông Bút chỉ tay về phía trước - đó là đất của khu bảo tồn, bên trái là rừng phòng hộ, bên phải là rừng của xã Đakrông, phía sau cũng là rừng của xã quản lý. Trưởng thôn Tà Lềng khẳng định, dân bản định cư ở đây từ xưa, nếu không khai hoang đất rừng để trồng trọt thì lấy gì sống.

“Ngày xưa, người dân phá rừng để làm rẫy, bây giờ thì canh tác trên nương rẫy đã có. Hiếm hoi mới có trường hợp phá rừng, như năm 2018, 1 phụ nữ ở bản phát rừng làm rẫy thì bị bắt đi tù 9 tháng, nên ai cũng sợ” - ông Bút, kể.

Theo BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, riêng ở thôn Tà Lềng, có 128,197 ha đất do người dân canh tác nằm trong sổ đỏ của đơn vị, thuộc tiểu khu 700A. Qua rà soát, nhiều diện tích đã canh tác trước thời điểm thành lập khu bảo tồn, nhưng chỉ đề nghị bóc tách 105,32 ha ra khỏi sổ đỏ để giao lại cho người dân. Một số diện tích dù được canh tác từ lâu, nhưng không liền thửa, nằm ở khu vực trọng yếu nên không đề xuất bóc tách được.

Vì sao có chuyện hàng nghìn ha đất rừng bị xâm lấn?

Ông Trương Quang Trung, Giám đốc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông cho biết, sau khi về nhận nhiệm vụ ở đây một thời gian, năm 2019 nhận thấy biến động về hiện trạng rừng, nên ông đã thành lập 1 tổ 7 người để đi thực địa.

Đơn vị này quản lý gần 43.000 ha rừng và đất rừng đặc dụng, gồm BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Khu Bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh (huyện Đakrông), nên mất 2 tháng mới có kết quả sơ bộ.

Cán bộ BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và lực lượng kiểm lâm giải thích cho người dân thôn Tà Lềng những diện tích đất xâm lấn được đề nghị bóc tách và thu hồi. Ảnh: Hưng Thơ

“Chúng tôi choáng váng, vì mới kiểm tra sơ bộ đã có gần 1.800 ha đất rừng đặc dụng bị xâm lấn, xâm canh” - ông Trung, nói.

Sau khi báo cáo lên cấp trên, và rà soát lại cụ thể, con số diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm canh, xâm lấn ở khu bảo tồn này lên đến 2.443,311 ha.

Trả lời câu hỏi, tại sao lại có hàng nghìn ha đất rừng đặc dụng bị xâm lấn, nhưng đến bây giờ chủ rừng mới nắm được, ông Trương Quang Trung nói rằng, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do lịch sử để lại.

“Như việc cấp sổ đỏ cho khu bảo tồn khả năng không kiểm tra rõ thực địa, nên không ít diện tích đất người dân đã canh tác, làm nương rẫy không được bóc tách ra ngoài. Bên cạnh đó, do diện tích lớn, nên việc quản lý không bao quát hết được, người dân thiếu đất nên xâm lấn vào đất rừng” - ông Trương Quang Trung, thông tin.

Nương rẫy của người đồng bào thiểu số thuộc đất rừng. Ảnh: Hưng Thơ

Trong số 2.443,311 ha đất rừng bị xâm lấn, có 442,05 ha đã có quyết định bóc tách trả về địa phương; diện tích cần thu hồi gần 2.000 ha, nhưng BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông đề nghị tiếp tục bóc tách, bàn giao lại cho địa phương 218,16 ha.

Ngoài số diện tích sẽ bóc tách và đề nghị bóc tách ra khỏi sổ đỏ của khu bảo tồn để bàn giao lại cho địa phương, thì việc thu hồi sẽ như thế nào? Trước câu hỏi này, ông Trung nói “rất khó”.

“Chúng tôi là chủ rừng, nhưng không có chức năng xử lý, mà chỉ đề xuất. Việc xử lý thế nào với hàng nghìn ha đất rừng bị xâm lấn thì chúng tôi có đưa ra phương án cụ thể, nhưng để thực hiện, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của địa phương và các đơn vị liên quan” - ông Trương Quang Trung, cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn