MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công việc nhẹ nhàng hay không do cách nhìn nhận và làm việc của từng người. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh.

Chọn công việc áp lực lương cao hay nhẹ nhàng lương thấp

Mạnh Cường LDO | 06/03/2023 07:30

Nhiều người chấp nhận áp lực lớn khi làm việc để có mức lương cao. Nhưng cũng có không ít người chỉ cần một công việc nhẹ nhàng, thoải mái và chấp nhận mức lương vừa đủ.

Chị Bùi Thị Ngọc Ánh (26 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng công việc nhẹ nhàng hay không do cách nhìn nhận và làm việc của từng người.

Sự thoải mái, nhẹ nhàng không đến từ công ty mà đến từ bản thân người làm. Khi bản thân vui vẻ, hăng say làm việc thì sẽ thấy tận hưởng với công việc đang làm. Chị Ánh luôn ưu tiên giá trị làm việc trong 1 giờ hơn là giá trị của một tháng lương.

Chị Ánh đề cao vấn đề thu nhập nhưng bản thân phải thực sự yêu thích và hăng say. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Do vậy, không thể chọn giữa việc nhẹ lương thấp hay áp lực lương cao. Dù làm nghề gì, lĩnh vực nào cũng sẽ có thử thách, khó khăn nhất định. Quan trọng là cách chúng ta tiếp nhận nó ra sao" - chị Ánh nói.

Dù chưa ra trường nhưng Nguyễn Văn Chính - sinh viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xác định, sau khi tốt nghiệp sẽ về quê xin việc để đỡ áp lực.

Gần 4 năm gắn bó với thủ đô, anh Chính cảm thấy nơi đây khá bon chen mệt mỏi. Xin làm thêm ở một vài nơi nhưng cảm thấy yêu cầu của các công ty tại thủ đô khá cao nên anh Chính đã xin nghỉ.

"Hiện tại, chi phí mỗi tháng với tôi khá đắt đỏ. Sau này ra trường, lương khởi điểm chỉ khoảng 6 - 8 triệu đồng, trong khi phải tốn thêm tiền thuê trọ và nhiều khoản khác. Tôi sẽ chọn về quê xin việc, một phần vì gần gia đình, không tốn nhiều chi phí, phần do tôi không chịu được áp lực cao" - anh Chính cho hay.

Chị Vũ Thị Yến (28 tuổi, Quảng Ninh) chia sẻ - trước đây khi mới ra trường chị cũng hoài bão về một công việc lương cao dù có áp lực thế nào cũng sẽ cố gắng vượt qua. Còn bây giờ, khi đã lập gia đình, chị Yến lại không quan tâm nhiều đến thu nhập.

Khi đã có gia đình, chị Yến mong muốn một công việc lương vừa đủ, nhẹ nhàng để tiện chăm sóc chồng con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vì thu nhập của chồng chị Yến đang khá ổn. Chị cũng đã lựa chọn rời thủ đô về quê hương làm một công việc nhẹ nhàng, lương vừa đủ để tiện chăm sóc chồng con, trở thành một người vợ, người mẹ tâm lý.

Ngược lại, anh Bùi Văn Quyền (29 tuổi, Nam Định) mong muốn làm công việc có mức lương cao mặc dù biết sẽ áp lực. Anh Quyền kể, khi phỏng vấn, người tuyển dụng chắc chắn sẽ hỏi về vấn đề tiền lương. Và thông thường, những ứng viên đưa ra mức lương khá hoặc cao luôn được ưu tiên hơn.

Bởi người tuyển dụng sẽ dựa vào mức lương mong muốn để đánh giá năng lực và thái độ với công việc. Nếu người lao động muốn mức lương cao đồng nghĩa phải hoàn thành được công việc và chịu được áp lực.

"Vì hai yếu tố này luôn song hành cùng nhau trong tất cả mọi công ty" - anh Quyền cho biết.

Hiện tại, anh Quyền đã có gia đình, là người trụ cột nên càng cần một công việc có mức lương cao. Theo anh Quyền, lương cao không chỉ chứng tỏ năng lực  bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với cuộc sống của cả gia đình.

"Lương cao sẽ đỡ đần được cho vợ không quá lo lắng về vấn đề cơm áo gạo tiền" - anh Quyền nói.

Chính vì lý do đó, khi xuất khẩu lao động trở về nước, anh Quyền đã xin vào làm việc tại một tập đoàn lớn tại Hải Phòng. Hiện tại, thu nhập của anh Quyền hơn 20 triệu đồng mỗi tháng, trong khi bạn bè cùng trang lứa chấp nhận làm công việc nhẹ nhàng hơn lương khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn