MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng bắn 3 điểm pháo hoa đêm giao thừa Tết Quý Mão. Ảnh minh hoạ: Thuỳ Trang

Chọn đi du lịch để tránh những câu hỏi kém duyên ngày Tết

Bạn đọc Nguyễn Huỳnh Minh Ngọc LDO | 20/01/2023 10:17
Tết Nguyên đán vốn là dịp để chúng ta hội ngộ với gia đình, cùng nhau hàn huyên, trò chuyện. Nhưng kèm theo đó cũng là cảm giác khó chịu, thậm chí mệt mỏi vì vô số những màn “hỏi đáp đầu năm” kém duyên. 

Những câu hỏi khó đỡ ngày Tết

Tôi năm nay ba mươi ba tuổi. Dù đã có bạn trai nhưng cả hai vẫn chưa có ý định kết hôn. Mỗi dịp Tết đến, tôi luôn bị tra hỏi: “Khi nào kết hôn?”, “Vì sao đã quá ba mươi còn không chịu lấy chồng?”, “Con nhà ấy nhà nọ lấy chồng 2 con rồi... mua được cái này cái kia rồi” hoặc "Kén chọn thế, lấy đại một anh đi không già"…

Nếu không quan tâm đến chuyện bao giờ lập gia đình thì cũng là chuyện liên quan đến tiền bạc, nhà cửa.

Có lần tôi qua nhà họ hàng chơi, chưa kịp ngồi chuyện trò gì đã bị hỏi "Đi làm mấy năm mà vẫn chưa mua được nhà thành phố hả cháu", “Lương cháu một tháng bao nhiêu mà làm mãi không có dư?”…

Sau khi đối đáp thẳng thắn với những câu hỏi kém duyên, tôi bị bố mẹ mắng vì lo phản ứng của tôi sẽ khiến họ hàng phật lòng. Từ lần đó, rút kinh nghiệm tôi chỉ đành im lặng, cắn răng chịu đựng mọi lời hỏi han “nhức nhối” suốt 3 ngày Tết.  

Cứ ngỡ chỉ có bản thân e ngại những câu hỏi khó đỡ vào dịp Tết, tôi đã rất bất ngờ khi biết nhiều trường hợp bạn bè, đồng nghiệp chung quanh cũng gặp phải tình trạng khó xử tương tự.

Trốn Tết

Những năm trước, do ức chế vì các câu hỏi này nhưng không thể phản ứng mạnh vì sợ mích lòng họ hàng, tôi đành chọn giải pháp “trốn Tết” bằng những chuyến đi.

Lâu dần, thành thói quen khiến tôi nghĩ Tết đơn thuần chỉ là một kỳ nghỉ dài để đi du lịch, khám phá cảnh đẹp ở một nơi xa xôi nào đó.

Việc lựa chọn đi du lịch ngoài mục đích thư giãn, còn xuất phát từ cảm giác chẳng biết làm gì khi phải đối diện với những câu hỏi thiếu tế nhị, thậm chí “khó đỡ” từ họ hàng, bạn bè ở nhà. 

Cũng bởi, là con út trong một gia đình đông anh chị em nên bố mẹ tôi không quan trọng vấn đề phải ăn Tết ở nhà. Và theo tôi thì không hẳn cứ có mặt ở nhà mới là đón Tết.

Với sự kết nối của công nghệ, năm nào đến những phút giây giao thừa tôi cũng gọi video về cho bố mẹ để chia sẻ không khí đón Xuân ở nơi tôi đến du lịch. Đó cũng là cách mà bản thân chọn để tránh xa áp lực với những câu hỏi quen thuộc của họ hàng như lương thưởng, kế hoạch lập gia đình...

Mặc dù thế, tôi cũng sẽ ở lại TPHCM cùng mẹ sắm Tết trong ngày 28. Sau đó, bản thân sẽ có chuyến bay vào đúng 29 tháng Chạp đến Đà Nẵng. Tôi dự tính sẽ ở lại đây nghỉ dưỡng khoảng 3 ngày sau đó sẽ di chuyển đến Huế và trở lại TPHCM vào ngày mùng 6 Tết.

Cũng bởi, với tính chất công việc của tôi nếu đi vào ngày trong năm cũng khó có thể tách rời được chiếc laptop. Chỉ vào dịp Tết như này, tôi mới thực sự có những chuyến nghỉ dưỡng đúng nghĩa mà lại tránh được những lời dị nghị không đáng có. 

Vốn dĩ, việc thăm hỏi họ hàng, trò chuyện đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt nhưng lại gây cảm giác khó chuyện, khiến nhiều người thấy khó xử và sợ Tết vì điều này. Những câu hỏi đôi khi chỉ là bâng quơ, lấy lệ, hỏi để mở đầu câu chuyện ấy vô hình chung khiến mọi người cảm thấy sợ cảm giác gặp gỡ, dù rõ ràng đây là dịp ai cũng mong ngóng đến ngày để về nhà sum họp.

Chuyện trò, hỏi han tình hình người thân không phải là xấu nhưng cá nhân tôi cho rằng, mỗi chúng ta nên khéo léo đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, bỏ qua những câu hỏi xã giao không cần thiết.

Thay vì phán xét người khác theo lăng kính của mình, chúng ta hãy tế nhị và chuyện trò vui vẻ để không còn ai cảm thấy sợ hãi mỗi dịp Tết đến Xuân sang.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề "Tết về quê hay đi du lịch?" bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn